Cách nào để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều khó khăn, thách thức về vốn, đầu ra... sau Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng nhờ nỗ lực, khối doanh nghiệp này vẫn đạt được nhiều điểm sáng trong hút đầu tư, tham gia vào chuỗi sản xuất, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế.

Củng cố cả chất và lượng

Sau dịch Covid-19, khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng. Đó là đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, thiếu vốn, là những thách thức trong duy trì thu nhập cho công nhân, cán bộ, nhân viên...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng, trước thực tế đó, các doanh nghiệp đã phải tự nỗ lực tìm các giải pháp thích ứng. Đó là sáng tạo về mẫu mã và gia tăng chất lượng sản phẩm, ứng dụng số hoá vào sản xuất, kinh doanh...

Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định, không có doanh nghiệp ngành giải thể. Không những thế, mới đây, nhiều doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội đã nhận được chứng chỉ quản lý hệ thống chất lượng IA PE 16949. Đây là chứng chỉ cực kỳ quan trọng cho việc doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi sản xuất với các tập đoàn đa quốc gia. 

Từ nay đến tháng 9/2024, các nhà máy tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) của các nhà đầu tư trong và ngoài nước liên tục được khởi công. Sau đó các sản phẩm được sản xuất sẽ lên tới hàng triệu USD mỗi năm, đều là những sản phẩm công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng tạo ra nhiều cơ hội để xuất khẩu.

Do đó, ông Nguyễn Hoàng nhận định, việc củng cố về “ lượng và chất” cho doanh nghiệp CNHT để có thể trực tiếp sản xuất, cung cấp sản phẩm công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia, sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu đang rất quan trọng. Trong đó, cần tập trung vào cơ khí chế tạo cho ngành ô tô, điện tử và công nghiệp quốc phòng, dân sinh… Đặc biệt, các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư cũng được các doanh nghiệp đề nghị đẩy mạnh triển khai, kết nối để các doanh nghiệp FDI “kèm cặp” và đặt hàng với các doanh nghiệp trong nước…

ANMI TOOLS đang nỗ lực và là đối tác trong chuỗi các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Khắc Kiên
ANMI TOOLS đang nỗ lực và là đối tác trong chuỗi các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Khắc Kiên

Đồng bộ để nâng tầm

Ông Nguyễn Hoàng nhìn nhận, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó có Hà Nội thời gian qua đã tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục; sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động… Điều này ngày càng giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.

Đầu năm 2024, nhiều cái bắt tay giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và quốc tế đã giúp khối này nâng cao sức cạnh tranh và tìm kiếm thêm nhiều cơ hội. 

Tháng 2/2024, cộng đồng doanh nghiệp vùng Kobe Aero Network Nhật Bản (KAN) đã ký thỏa thuận hợp tác với HANSIBA liên quan đến phát triển kinh doanh giữa doanh nghiệp 2 nước, cùng có lợi. Qua đó, thúc đẩy nghiên cứu đề xuất với Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản để có các chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù tại Việt Nam.

TOMECO là đối tác cung cấp các sản phẩm đủ cạnh tranh trên toàn cầu. Ảnh: Khắc Kiên
TOMECO là đối tác cung cấp các sản phẩm đủ cạnh tranh trên toàn cầu. Ảnh: Khắc Kiên

Chủ tịch Công ty CP Onaga (Nhật Bản) Onaga Masaru chia sẻ, doanh nghiệp đã hoàn tất xây dựng nhà xưởng và dự kiến sẽ giải ngân toàn bộ vốn đăng ký đầu tư tại Tổ hợp Techno-Park Việt Nam – Nhật Bản ở HANSSIP trong năm 2024. Giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 4/2024... "Khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp cần hệ thống nhà xưởng không quá lớn nhưng phải hiện đại theo chuẩn mực của Nhật Bản và quốc tế. Hệ thống nhà máy có sự liên kết trong dây chuyền sản xuất, kết nối liên tục với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất" - ông Onaga Masaru nói.

Đồng thời cho biết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam còn quan tâm đến chất lượng cơ sở hạ tầng liên quan như giao thông, logistics, nguyên vật liệu, cũng như chất lượng nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi… Đây cũng là vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp khó khăn nên cần đầu tư ra nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, các doanh nghiệp Nhật Bản đặt niềm tin vào những cải thiện mà Việt Nam có thể đem lại.

Xuất phát từ thực tế, các doanh nghiệp mong sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất. Trong khi chờ, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết về cơ chế thí điểm cho doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam. Các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5 - 10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Về giải pháp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng gợi ý, đưa ưu tiên vào CNHT với công nghiệp chất lượng, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp xanh…. Trong định hình tương lai sẽ phải theo xu hướng này. Đơn cử, việc làm đường sắt cao tốc, phần điều khiển thì phải mua, nhưng như ghế, hay các phần về cơ khí, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, làm được hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp có tìm hiểu, có đầu tư về thiết kế, công nghệ để có thể tham gia vào thị phần này. Hay ngành logistics hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhưng chúng ta chưa hình thành cảng logistics tầm thế giới, các kho, cụm chưa đáp ứng, chưa đảm bảo yêu cầu. Đây cũng là những vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm...