Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách tính lương hưu người làm việc khu vực Nhà nước sẽ thay đổi

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Như vậy, cách tính lương hưu người làm việc Nhà nước và tư nhân sẽ giống nhau.

Người làm việc khu vực tư nhân, lương hưu tính cả quá trình làm việc

Hiện nay, theo quy định về BHXH, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động làm việc ở khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân đang có sự khác nhau. Người lao động làm việc khu vực Nhà nước, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được tính 5 – 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu; trong khi người lao động làm việc khu vực tư nhân thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 72 Luật BHXH năm 2014 quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần: Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Theo quy định, người lao động làm việc khu vực tư nhân, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là toàn bộ thời gian, để tính lương hưu. Ảnh: Phạm Ngọc.
Theo quy định, người lao động làm việc khu vực tư nhân, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là toàn bộ thời gian, để tính lương hưu. Ảnh: Phạm Ngọc.

Đã có không ít người lao động làm việc khu vực tư nhân băn khoăn với quy định tiền lương hưu được tính dựa trên cả quá trình đóng BHXH. Nhiều người lao động cho rằng, tính toàn bộ thời gian đóng BHXH dẫn đến sau này tiền lương hưu thấp, bị thiệt thòi. Nhất là những người làm công việc trực tiếp sản xuất, có ít năm đóng BHXH và mức tiền lương đóng BHXH thấp, khi về hưu tiền lương sẽ không đảm bảo mức sống tối thiểu.

Trao đổi về cách tính toàn bộ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu đối với người làm việc khu vực tư nhân, chị Nguyễn Vân Nga đang làm việc tại một công ty TNHH chuyên sản xuất bánh kẹo trên địa bàn quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Tính đến năm 2024, tôi có 31 năm làm việc và đóng BHXH tại công ty này. Đối chiếu theo quy định của Luật BHXH, khi nghỉ hưu, tôi sẽ được hưởng lương hưu mức tối đa 75% và trợ cấp một lần cho những năm đóng dư BHXH. Cho dù sau này tôi sẽ được hưởng lương hưu 75% nhưng quy ra số tiền lương hưu thực lĩnh lại không cao, có khi chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay (tính cả hệ số trượt giá). Vì, tôi làm việc khu vực DN, cách tính lương hưu sẽ là cộng tất cả các tháng đóng BHXH, từ lúc tiền lương 120.000 đồng/tháng dần dần tăng lên đến bây giờ gần 5 triệu đồng/tháng; cộng tất cả các tháng đóng BHXH, chia trung bình thì mức đóng BHXH không cao, đồng nghĩa với sẽ có tiền lương hưu thấp” – chị Nga giải thích.

Lương hưu sẽ được tính toàn bộ thời gian đóng BHXH

Trước câu hỏi của người lao động về việc vì sao tiền lương đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu của người lao động làm việc khu vực tư nhân lại là toàn bộ quá trình, chứ không phải tính 5 - 10 năm cuối như người làm trong khu vực Nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Duy Cường phản hồi: Một trong những nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH. Do đó, việc quy định mức lương hưu được tính trên cơ sở tỉ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ quá trình đóng là phù hợp với nguyên tắc nêu trên.

Người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH, để tính lương hưu.
Người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH, để tính lương hưu.

Ông Nguyễn Duy Cường cho rằng, không phải người lao động nào cũng có tiền lương đóng BHXH những năm cuối cao hơn những năm trước đó; đặc biệt là người lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước. Do vậy, không phải cứ tính tiền lương theo số năm cuối đóng BHXH là được lợi hơn.

Trước đây, người lao động thuộc khu vực Nhà nước khi tính mức lương hưu cũng tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Luật BHXH hiện hành đã có quy định lộ trình tiến tới tính toán người lao động làm việc khu vực Nhà nước là toàn bộ quá trình đóng BHXH như đối với khu vực ngoài Nhà nước. Điều này thể hiện tại Luật BHXH năm 2014 và Luật BHXH năm 2024 đều quy định: Người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Thực tế hiện nay, có không ít người lao động đã thừa năm đóng BHXH nhưng lại chưa đến tuổi nghỉ hưu. Nhiều người lao động hỏi về việc Luật BHXH mới có cho hoán đổi số năm đóng BHXH dư để được về hưu trước tuổi? Về nội dung này, Vụ trưởng Vụ BHXH Nguyễn Duy Cường thông tin, theo quy định của Luật BHXH mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, đã kế thừa quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu. Theo đó, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng đủ 2 điều kiện là: đủ tuổi nghỉ hưu và đủ số năm đóng BHXH. Pháp luật về BHXH của Việt Nam và thông lệ các nước đều không ghi nhận quy định về việc hoán đổi số năm đóng BHXH để về hưu trước tuổi.

Về việc người lao động có thể đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu, ông Nguyễn Duy Cường cho hay, theo quy định của Luật BHXH mới, người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên. Pháp luật hiện hành đã có quy định đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu đối với trường hợp đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu thời gian đóng để hưởng lương hưu.