Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp: Tạo thuận lợi tối đa cho người dân

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân, ngành Tư pháp đã và đang áp dụng những mô hình mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là các việc liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân.

Từ cuối năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại các tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Phân hệ đăng ký khai sinh của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) được kết nối với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) để cấp ngay mã số định danh công dân cho trẻ em khi cấp giấy khai sinh.

Hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT mức độ 3 tại bộ phận Một cửa phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Thùy Linh

Qua thực tế triển khai cho thấy, thao tác và quy trình thực hiện thuận lợi, công tác nhập thông tin đăng ký khai sinh, cấp mã số định danh cá nhân nhanh, kịp thời phục vụ công tác đăng ký khai sinh cho trẻ em theo quy định. Đến nay, việc sử dụng phân hệ đăng ký khai sinh và cấp mã số định danh cá nhân đã đi vào nền nếp. Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho hàng trăm ngàn trường hợp đăng ký khai sinh mới.
Hay trong lĩnh vực lý lịch tư pháp (LLTP), ngành tư pháp đã triển khai Phần mềm đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến và giải pháp tích hợp cấp phiếu LLTP trực tuyến với dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp phiếu LLTP qua bưu chính, đến nay có 40 Sở Tư pháp và Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) đã triển khai cấp Phiếu LLTP trực tuyến. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án đang thực hiện thí điểm hỗ trợ yêu cầu thi hành án trực tuyến thí điểm tại 12 địa phương. Thay vì đến tận cơ quan thi hành án, người dân có thể ở nhà vào mạng và gửi đơn yêu cầu thi hành án... Lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, bổ trợ tư pháp... cũng được áp dụng triệt để công nghệ thông tin giúp giải quyết yêu cầu của người dân nhanh chóng, thuận lợi.
Quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều “điểm sáng” trong cải cách thủ tục hành chính. Hà Nội là một trong những địa phương sớm áp dụng mô hình trả kết quả thủ tục tư pháp qua đường bưu điện. Theo đó, thay vì phải lặn lội đến Sở Tư pháp nhận kết quả hành chính thì chỉ cần trả 30.000 - 40.000 đồng/bộ hồ sơ, người dân ở các huyện ngoại thành xa xôi sẽ được bưu điện mang đến tận nhà. Dịch vụ ban đầu được áp dụng với thủ tục hành chính ở 6 lĩnh vực, trong đó có cấp Phiếu LLTP đã được người dân đón nhận tích cực.
Trên cơ sở thành công của mô hình này, trong năm 2015, Sở Tư pháp phối hợp với Bưu điện TP Hà Nội đã ký kết hợp đồng dịch vụ chuyển phát nhanh hồ sơ, kết quả Phiếu LLTP qua mạng lưới của Bưu điện TP. Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng LLTP (Sở Tư pháp) cho biết, ngoài việc chuyển trả kết quả, Sở Tư pháp còn nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua bưu điện. Từ năm 2015 đến nay đã có trên 99% yêu cầu cấp Phiếu LLTP đã được trả đúng hạn, trong đó có 25% cấp sớm hơn so với quy định. Năm 2016, Sở Tư pháp phối hợp với công ty viễn thông triển khai dịch vụ đăng ký trực tuyến. Hàng ngày, Sở tiếp nhận từ 250 - 300 hồ sơ, trong đó đăng ký trực tuyến từ 30 - 50 hồ sơ. Kết quả, Sở đã cấp trên 36.700 Phiếu LLTT, tăng hơn 7.800 Phiếu so với cùng kỳ năm trước, trong đó giải quyết đăng ký trực tuyến và qua dịch vụ bưu điện được gần 8.000 hồ sơ.