Tai nạn theo kiểu người bị xe tông khi dừng đèn đỏ không hiếm. Tai nạn giao thông do vượt đèn đỏ, phóng nhanh và vượt ẩu cũng không chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh.
Chỉ trong vòng một tháng gần đây, chúng tôi chứng kiến hai vụ tai nạn ở Hà Nội, một vụ nạn nhân đang phải nằm trên đường; vụ kia không thấy người đâu, chỉ còn một xe máy bị dập nát, xe ô tô vỡ toác phần đầu; cả hai vụ đều thuộc quận Nam Từ Liêm…
Những vụ tai nạn này, theo cảm nhận của chúng tôi đều do người giao thông vượt ẩu khi đã có tín hiệu dừng, hoặc lạng lách nhanh. Các tuyến đường gần như không còn phân tuyến cho ô tô, xe máy… nữa vì quá tải, vì mạnh ai nấy đi.
Trên đường Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, một thanh niên chở theo bạn gái phóng xe qua đường dù đèn đỏ đã bật mấy giây. Đến giữa giao lộ, anh ta lái xe va chạm với xe khác. May là vụ va chạm nhẹ, không có gì nghiêm trọng xảy ra, nhưng người bị va quệt cũng tái mặt.
Cảnh vượt đèn đỏ gần như đã quen đối với khá nhiều người, trong đó có không ít là những người lái xe công nghệ. Đặc biệt, lực lượng chạy chở khách này có khi vừa đi vừa dán mắt xem điện thoại (có lẽ xem chỉ dẫn đường trên Google)…
Việc tham gia giao thông kém ý thức không chỉ có ở người trẻ. Mới đây, do có việc gặp bạn cũ từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chúng tôi đi xe của một bác khoảng 60 tuổi mặc áo Grab (nhưng có lẽ bác này chỉ mượn áo để hành nghề). Bác phóng xe vượt đèn đỏ, lạng lách qua giao lộ, rồi ngoảnh mặt nói với khách: “Thấy tôi tài không!”.
Bác này còn cho biết là đã “bày cách vượt đèn đỏ an toàn” cho nhiều đồng nghiệp trẻ (!!). Khi khách bảo, “bác chạy từ từ thôi”, bác vẫn biểu diễn cách chạy xe không giống ai và vô cùng nguy hiểm là chạy theo đuôi một chiếc xe cấp cứu phía trước, chưa hết còn bấm loại còi hơi dành cho ô tô inh ỏi. Bác cho biết mình mua còi ở chợ chỉ hơn trăm nghìn đồng, rồi nhiệt tình chỉ cho khách chợ nào, mua thế nào cho rẻ…
Như đã nói, việc tham gia giao thông kém ý thức đang xảy ra ở nhiều nơi và gây ra những tai nạn đau lòng. Điều này còn khiến nhiều người luôn cảm giác bất an khi ra đường.
Lực lượng cảnh sát giao thông không thể đủ cho mọi ngả đường, mọi giao lộ; cũng không thể hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Do đó, việc chấn chỉnh ý thức tham gia giao thông, nhất là lớp trẻ thanh - thiếu niên là rất cần thiết.
Trong nhà trường có nhiều hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa. Thiết nghĩ, nhà trường nên tăng thời lượng giáo dục về luật giao thông, ý thức tham gia giao thông cho học sinh.
Bên cạnh đó, ngành công an cũng nên lắp đặt thêm nhiều các thiết bị theo dõi giao thông và tăng cường phạt nguội với mức phạt nghiêm khắc để răn đe, từ đó giảm thiểu sự lộn xộn đang ngày trở nên nhức nhối ở các TP.