Hôm nay (28/10) tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW”, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học.
Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị T.Ư lần thứ 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là văn kiện rất quan trọng của Đảng, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát tình hình thực tế, cần được các cấp, ngành, mọi cán bộ, Đảng viên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả. Ngay sau khi T.Ư ban hành Nghị quyết này, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thi hành, song cũng còn nhiều nội dung của Nghị quyết cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, cung cấp luận cứ khoa học tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.
Tham luận tại đây, GS.TS. Võ Khánh Vinh - Nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tham mưu; trong đó, các yếu tố cần phải có của cán bộ làm công tác tham mưu là năng lực, phẩm chất, uy tín. “Công tác tham mưu, đặc biệt tham mưu cấp chiến lược là hoạt động góp phần hình thành chính sách, pháp luật tốt. Vai trò của người quyết định rất quan trọng, nhưng công tác tham mưu còn quan trọng hơn. Bởi vì, tham mưu là điểm đầu của sáng tạo, sáng tạo xây dựng chính sách, pháp luật để xây dựng đất nước phát triển; do đó, phải xác định rõ vai trò tham mưu của cán bộ và phải coi đây mà một nghề mang tính chuyên nghiệp”, GS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, và cũng cho rằng, năng lực cán bộ tham mưu cấp chiến lược ở nước ta có tiềm năng lớn, có năng lực, có khả năng tham mưu chính sách pháp luật trong bối cảnh xã hội thay đổi. Về phẩm chất, nhìn chung đội ngũ cán bộ này có lập trường, tư tưởng vững vàng, có đạo đức, có uy tín… Tuy nhiên, đội ngũ này còn thiếu và yếu; không đồng đều ở các ngành, lĩnh vực khác nhau; hẫng hụt về thế hệ. Công tác cán bộ đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập, chưa có chính sách cụ, chưa có bộ tiêu chí đánh giá, chưa có môi trường để phát huy sáng tạo của đội ngũ này. Do đó, GS. TS. Võ Khánh Vinh đề xuất giải pháp nâng cao năng lực là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả xây dựng chính sách, pháp luật; nên phải xây dựng chính sách quốc gia để phát triển đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; hoàn thiện chính sách pháp luật để bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ này, phát triển được nhiều nhân tài tham mưu; xây dựng bộ tiêu chí để thu hút, trọng dụng, đánh giá, phát huy đội ngũ…
Bên cạnh đó, GS. TSKH. Trần Văn Nhung - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đánh giá cao việc ra đời của Nghị quyết 26 và đã cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược được quy định trong Nghị quyết này bằng “công thức” cần có trong thời đại công nghệ 4.0 là phải nhìn vào bản chất, tố chất con người, đó là: Có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu, có bộ óc tốt, có kỹ năng sống tốt, có ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt. GS cũng đề nghị làm rõ định nghĩa thế nào là cán bộ cấp chiến lược mới có thể xây dựng được các bộ tiêu chí; nếu không có định nghĩa thì cần phải có mô tả cụ thể. Đồng thời, nhấn mạnh đến vai trò và tầm cỡ quốc gia, quốc tế của những cán bộ cấp chiến lược, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Họ cần phải có những năng lực và phẩm chất làm việc, lãnh đạo ở quy mô sâu rộng trong thời đại toàn cầu hóa, để xây dựng, phát triển bền vững và hợp tác, đấu tranh hiệu quả bảo vệ đất nước.
Trong khi đó, TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại nêu rõ quan điểm “một người lo bằng kho người làm”. Đó là đội ngũ tinh hoa của đất nước, là cán bộ cấp chiến lược, có vị trí ra quyết định và kiểm soát nhưng hiện chưa có chế độ chính sách và cách ứng xử phù hợp với đội ngũ này. Vì vậy, TS. Thang Văn Phúc đề nghị phải xác định ai là cán bộ cấp chiến lược và có chính sách đặc biệt cho đội ngũ này; đồng thời phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm với đội ngũ này, không thể nói trách nhiệm chung chung.
Đề cập vấn đề tham nhũng, TS. Nguyễn Đình Quyền - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu kiểm soát quyền lực không tốt thì mãi vẫn còn tình trạng tham nhũng. Ở các nước không có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng họ có Luật Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, như vậy mới có thể kiểm soát được tham nhũng. Liên quan đến quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, TS. Trần Văn Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, việc tổ chức quy hoạch phải nghiên cứu để khắc phục quy trình công tác cán bộ hạn chế hiện nay; trong việc thực hiện luân chuyển để thử tài cán bộ phải đưa cán bộ thử sức với nhiệm vụ khó để đánh giá năng lực thực tài. Đặc biệt, cần xây dựng được cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu, khách quan, công bằng, nên Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ cần xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định. “Nếu làm tốt các vấn đề trên thì không có chỗ cho người không đủ điều kiện vào bộ máy; đồng thời, phải phải kết hợp hài hòa trách nhiệm của người đứng đầu, người giới thiệu và kết hợp các nguyên tắc tập trung, dân chủ trong công tác cán bộ…”- TS Trần Văn Tuấn khẳng định.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, các ý kiến tại Hội thảo có thể trái ngược nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng đã tập trung xoay quanh những vấn đề liên quan đến cán bộ cấp chiến lược. Ý kiến của các đại biểu sẽ giúp Bộ Nội vụ củng cố thêm các luận cứ khoa học cho việc tham mưu giúp Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, qua đó giúp Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.