Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần luật hóa quy định tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ kinh nghiệm triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có thể thấy, việc tách giải phóng mặt bằng ra thành các dự án độc lập là rất cần thiết và hiệu quả đối với việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai

Nhiều hệ lụy 

Nhiều năm qua, không ít dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn do vướng mắc GPMB. Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng không chỉ gây thiệt về kinh tế mà quan trọng hơn là khiến hạ tầng “lạc nhịp”, vừa không phát huy được hiệu quả đầu tư, vừa trở thành gánh nặng đối với hệ thống giao thông và sự phát triển chung của thành phố.

Đơn cử như dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, do chưa thể GPMB, đã “án binh bất động” hàng chục năm, tạo nên một nút thắt ùn tắc giao thông nặng nề ngay trong khu vực lõi đô thị Hà Nội.

Hay dự án đường nối Nguyễn Xiển - Xa La, do chưa GPMB nên nút giao với đường Phan Trọng Tuệ trở thành một điểm đen ùn tắc nghiêm trọng trong nhiều năm, và hiện vẫn chưa thể biết khi nào giải quyết được.

Việc chậm trễ hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông do vướng mắc GPMB dẫn đến nhiều hệ lụy, là bài học đắt giá cho Hà Nội. Thứ nhất là hạ tầng không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu giao thông, ùn tắc diễn ra ở nhiều nơi. Theo ước tính, mỗi năm Hà Nội thiệt hại cả nghìn tỷ đồng do ùn tắc.

Thứ hai là các công trình dang dở trở thành lô cốt, nút thắt… làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc, gây mất vệ sinh môi trường, bức xúc trong dư luận Nhân dân. Thứ ba là các nhà đầu tư, nhà thầu sa lầy, kiệt quệ vì phải chờ đợi hoặc không hoàn thành dự án. Lĩnh vực hạ tầng giao thông ngày càng trở nên kém hấp dẫn, khó thu hút đầu tư.

Thứ ba là giao thông với vai trò đi trước mở đường nhưng lại vướng mắc, chậm trễ, khiến đô thị Hà Nội không thể điều chỉnh, phát triển đúng định hướng theo quy hoạch chung.

Nguyên nhân chính của việc chậm trễ GPMB, dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn nhiều dự án giao thông là việc gộp chung khâu quan trọng này vào quy trình tổng thể của dự án.

Chủ đầu tư phải đi GPMB trong khi không có đầy đủ chức năng thẩm quyền, khi vấp phải sự phản đối của người dân dễ lâm vào bế tắc. Bên cạnh đó sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền các địa phương, sở, ngành liên quan chưa hiệu quả, đồng bộ.

Nhiều dự án chưa GPMB đã khởi công, chỉ đạt được bước tiến rất nhỏ rồi phải nằm im nhiều năm không thể triển khai. Trong khi đó giá nguyên vật liệu, nhân công, các quy định của pháp luật liên tục có sự biến thiên; đến khi tái khởi động được thì dự án đội vốn hoặc phát sinh những khó khăn khác.

Biến đặc thù thành thông lệ

Hà Nội với vai trò chủ trì thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã tạo nên một điểm nhấn mạnh mẽ từ việc thay đổi cách làm trong GPMB. Được sự ủng hộ của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương liên quan, khâu GPMB phục vụ đầu tư đường Vành đai 4 đã được tách thành một dự án thành phần riêng.

Dự án GPMB được giao cho các địa phương làm chủ đầu tư. Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất đã diễn ra chóng vánh, gọn gàng.

Trước đó, dự án đã đặt ra mục tiêu phải GPMB được 70% mới khởi công và thực tế đã vượt hơn cả mong đợi. Đến nay chủ đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đoạn qua địa bàn Hà Nội đã nhận được trên 90% mặt bằng.

Có mặt bằng sạch, dự án đường đô thị song hành với Vành đai 4 đã triển khai 29 mũi thi công trên địa bàn Thủ đô. Các nhà thầu có thể yên tâm tập trung vào thi công, không còn phải đối diện với nguy cơ rơi vào bế tắc.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ kéo dài do vướng mắc GPMB
Nhiều dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ kéo dài do vướng mắc GPMB

Mới đây nhất, dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai cũng đã được Hà Nội chấp thuận cho bàn giao công tác GPMB về quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ thực hiện sau khoảng 1 năm gặp khó khăn vướng mắc.

Có thể thấy, hướng đi tất yếu cho các dự án là phải tách GPMB ra thành dự án riêng độc lập, thực hiện trước, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng có thể xin cơ chế đặc thù để triển khai theo mô hình đó. Cách thức GPMB cho hiệu quả rõ rệt này cần được Luật hóa, trở thành thông lệ đối với tất cả các dự án hạ tầng giao thông.

Nội dung này đã được đưa Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Điều 37: “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công”. Cụ thể: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố Hà Nội, khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể”.

Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố Hà Nội quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Quyết định đầu tư là căn cứ để bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm, đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố Hà Nội ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất.

Trường hợp điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB phát sinh yếu tố phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể, HĐND thành phố thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể trước khi Chủ tịch UBND điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB.

Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể và điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan…

Nếu được thông qua, nội dung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB được áp dụng rộng rãi, sẽ trở thành động lực mới cho đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông của Hà Nội.