Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ Dự án trên mới đang ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị còn vội vàng, thông tin còn bất cập, chưa đầy đủ, chưa toàn diện.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng việc đề xuất dự án thép này để làm rõ một số vấn đề trong đó có vấn đề công nghệ và môi trường.
Trong kết luận, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép, được đề xuất sau sự cố Nhà máy thép Formosa, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung như ở mức nghiên cứu khả thi dự án.
Quyết định này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong phát triển kinh tế, đó là không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng; không tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá…
Thực tế, đã có một thời gian dài, đằng sau những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức về ô nhiễm môi trường. Thực trạng ô nhiễm không chỉ diễn ra ở một vài dự án, khu công nghiệp, khu kinh tế hay các làng nghề trong một vài năm mà đã có không ít trong số đó ảnh hưởng trên diện rộng và dự báo phải rất nhiều thời gian sau, môi trường mới có thể hồi phục. Gần đây nhất là dự án Formosa vẫn còn nóng hổi khi hiệu quả kinh tế chưa thấy nhưng hậu quả môi trường đã làm ảnh hưởng đến không ít hộ dân một số tỉnh miền Trung, đến cảnh quan, môi trường. Nó như bài học để mỗi người, mỗi bộ, ngành, địa phương thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Quốc hội trước đó cũng đã dừng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong những lý do đưa ra cũng có lý do về những tác động xấu đến môi trường cần phải cân nhắc trong quá trình vận hành cũng như cả trong trường hợp nếu xảy ra sự cố. Và trong một loạt các dự án đầu tư thời gian qua, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đòi hỏi môi trường đã trở thành điều kiện tiên quyết. Đã có không ít địa phương, bộ, ngành lên tiếng nói không với những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm như dự án sắt thép, lọc hóa dầu, các nhà máy sản xuất xi măng… Đối với những dự án đang hoạt động đều buộc đánh giá mức độ cũng như phải có biện pháp xử lý các nguồn phát thải.
Điều quan trọng đằng sau những việc làm trên diễn ra thời gian qua đó là sự chuyển biến tích cực trong tư duy phát triển kinh tế: Nếu chỉ tập trung cho tăng trưởng mà quên đi các mục tiêu về phát triển bền vững sẽ không thoát ra được bẫy thu nhập trung bình, không cạnh tranh được với các hàng rào kỹ thuật mà thế giới đưa ra trong quá trình hội nhập.