Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Cân nhắc quy định về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại phiên làm việc chiều 15/1 của Kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến quy định về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng.

Rà soát quy định về vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong chấm dứt áp dụng can thiệp sớm

Cơ bản tán thành với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP Hải Phòng) cho biết, về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dự thảo luật trình tại Kỳ họp này có bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Quy định này đã làm thay đổi bản chất của can thiệp sớm (từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang trạng thái xử lý cụ thể).

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP Hải Phòng) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP Hải Phòng) - Ảnh: Quochoi.vn

Với cơ chế can thiệp từ sớm, khi phát hiện tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu, hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động, để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường. Theo đại biểu, đây không phải là văn bản quyết định đặt tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm.

Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế, cùng thời hạn thực hiện các yêu cầu, hạn chế đó. Các yêu cầu, hạn chế của Ngân hàng nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời gian thực hiện, khi các tổ chức tín dụng đã khắc phục được các vấn đề của mình.

Với cách tiếp cận này, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu, hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu, hạn chế với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản quyết định can thiệp sớm, nên cũng không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm.

Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, việc quy định như dự thảo luật có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, tạo nguy cơ rủi ro rút tiền hàng loạt. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng quy định này.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội)
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội)

Đồng tình với ý kiến đại biểu Lã Thanh Tân, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, quy định về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm như dự thảo là phù hợp, nhưng bản chất tín dụng nếu hạch toán đầy đủ về dự phòng sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, tại Khoản cuối Khoản 2 Điều 159 quy định phải thuyết minh rõ trong dự phòng rủi ro, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa phù hợp với thực tiễn, cần nghiên cứu, rà soát đảm bảo tính khả thi.

Về quyết định can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, có ban hành văn bản hay không, đại biểu thống nhất cho rằng không nên đặt vấn đề ra quyết định và rút quyết định đó.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) nhận định, về chấm dứt can thiệp sớm (Điều 161) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Điều 161 của dự thảo Luật bổ sung quy định về Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm tương tự như quy định tại khoản 6 Điều 130a của Luật hiện hành.

Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ đặt ra quy định về việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm mà chưa thấy quy định về việc Ngân hàng Nhà nước có văn bản đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng can thiệp sớm.

Trong khi đó, nội dung này tại Luật hiện hành có quy định tại khoản 3 Điều 130a, cụ thể: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải…”. Do đó, đề nghị rà soát nội dung này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị)
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị)

Hoàn thiện quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm

Quan tâm đến quy định xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) nêu rõ, tổ chức tín dụng bao gồm nhiều loại hình, trong đó thì có loại hình ngân hàng thương mại mới có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng (bao gồm việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên các nghiệp vụ nhận tiền gửi và cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản; các hoạt động kinh doanh khác theo luật định) nhằm mục tiêu lợi nhuận, theo đó mới có mức độ ảnh hưởng lớn tới tính an toàn của hệ thống.

Các loại hình tổ chức tín dụng còn lại đều bị giới hạn ở những mức độ khác nhau về phạm vi và quy mô, đối tượng, loại nghiệp vụ được phép kinh doanh. Theo đó là mức độ rủi ro được chấp nhận. Tương ứng với mỗi loại hình có các mức độ tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu khác nhau về quản trị, điều hành. Do đó, đối với ngân hàng thương mại sẽ ở cấp độ cao nhất và khắt khe nhất. Điều này có nghĩa, gần như chỉ loại hình ngân hàng thương mại bỏ qua những ngân hàng quá nhỏ mới có khả năng gây nên các vấn đề hoảng loạn hay tháo chạy ngân hàng và đe dọa rủi ro lan truyền làm mất an toàn hệ thống.

Theo đại biểu, khi có những sự cố như vậy xảy ra thì Ngân hàng Nhà nước với tư cách là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả nhằm giảm thiểu các thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn tỉnh Tuyên Quang)
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn tỉnh Tuyên Quang)

Còn đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Theo đại biểu, tại Nghị quyết 42, các nội dung trên đã được báo cáo, đánh giá trước Quốc hội, Quốc hội đã cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023. Những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu có cơ ở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Vì vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự. Do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng, việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên. Đại biểu đề nghị giữ nguyên nội dung này như trong dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 6, để đảm bảo tính pháp lý và xử lý hiệu quả nợ xấu.