Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần quan tâm mô hình xử lý rác thải tại nguồn

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong những đề xuất của ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị tại diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo 2018, do Báo Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức sáng 22/6.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị, thời gian gần đây quan hệ của báo chí với Bộ TN&MT được gắn kết chặt chẽ hơn, báo chí đã cập nhật thông tin kịp thời, đặc biệt khi có sự cố môi trường xảy ra hoặc có chính sách mới. Nhờ đó, sự phối hợp tuyên truyền trong việc đảm bảo môi trường cũng như trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, biến đổi khí hậu được sâu rộng và hiệu quả hơn.
Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại diễn đàn.
Là thành viên Ban Đô thị của HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Minh Đức cho biết, lĩnh vực tài nguyên - môi trường trong những năm gần đây được lãnh đạo Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng. Từ việc cải cách hành chính mạnh mẽ trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến đẩy mạnh đầu tư công nghệ lĩnh vực môi trường, như: Dự án cải tạo nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C; dự án xử lý chất thải; đầu tư lắp đặt gần 10 trạm quan trắc… Các thông tin luôn được cập nhật rộng rãi trên trang web của Sở TN&MT Hà Nội, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị,… Trong đó, thông tin về chỉ số không khí các khu vực của Hà Nội được cập nhật thường xuyên trong ngày.
Để công tác đảm bảo môi trường được hiệu quả hơn, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, Bộ TN&MT tiếp tục có những thông tin kết nối thường xuyên; tăng cường kết nối người dân qua giao lưu trực tuyến; quan tâm hơn nữa về mặt chính sách, đặc biệt tạo nguồn kinh phí từ trung ương đến địa phương trong vấn đề về rác thải. Cần quan tâm đến việc xây dựng mô hình xử lý rác tại nguồn từ cấp TP đến cấp quận/huyện, phường/xã, vì hiện nay vấn đề xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt của các địa phương cấp xã còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong khâu xử lý.
Về lĩnh vực biển đảo, ông Nguyễn Minh Đức đề xuất, Bộ TN&MT cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân khu vực biển đảo trong việc bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Cùng đó, có chính sách để tạo điều kiện giúp người dân khu vực biển đảo bám đảo, bám biển.
Tập trung rà soát hoàn thiện chính sách
Tại diễn đàn, thông tin về kết quả giám sát quá trình khắc phục vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan khoa học thành lập Tổ giám sát liên ngành để thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS.
Ông Hoàng Văn Thức cho biết, năm 2018, Bộ TN&MT sẽ tập trung rà soát hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT.
Hiện, Lò cao số 1 đã được FHS (vận hành từ tháng 5/2017) đã đi vào vận hành thương mại theo đúng tiến độ; Lò cao số 2 được vận hành thử nghiệm từ ngày 18/5/2018, hiện các hạng mục của dự án vẫn đang vận hành ổn định dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học.
Theo đó, năm 2018, Bộ TN&MT sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT); tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và người dân; thực hiện chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT;…