Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như sau:
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực hơn 03 năm; các nội dung, chính sách của Luật mới được triển khai thực hiện, cần có thêm thời gian để kiểm chứng, đánh giá mới bảo đảm có đủ cơ sở để đề xuất sửa đổi toàn diện Luật. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đối với một số nội dung qua thực hiện thực sự có vướng mắc, bất cập và đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, sửa đổi thêm như thể hiện trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật |
Về việc bổ sung hình thức Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nhiều nội dung cần thiết được quy định trong hình thức văn bản này thực chất là nội dung triển khai thi hành luật, liên quan đến trách nhiệm thực hiện cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức ở cả trung ương và địa phương. Do đó, cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội này để bảo đảm cơ sở pháp lý và hiệu lực thi hành.
Về nội dung của nghị quyết liên tịch, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại Điều 18 đã bổ sung quy định rõ việc ban hành nghị quyết liên tịch để “hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”; đồng thời rà soát về kỹ thuật để bảo đảm nội dung điều chỉnh đối với tất cả các hình thức nghị quyết liên tịch giữa các chủ thể này.
Về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có sự đổi mới căn bản về quy trình lập Chương trình xây dựng pháp luật theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo dự án. Những tồn tại, hạn chế trong công tác lập Chương trình thời gian qua như ý kiến đại biểu nêu một phần là do quy trình lập Chương trình có nhiều điểm còn khá mới, các cơ quan chưa theo kịp, nhưng phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt.
Việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định về từng chính sách trong tất cả các đề nghị xây dựng luật đòi hỏi Quốc hội phải bố trí lượng thời gian lớn hơn rất nhiều cho việc xem xét, thông qua Chương trình, như vậy không phù hợp với quỹ thời gian của kỳ họp Quốc hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về việc lập Chương trình cơ bản như hiện nay, nhưng có sửa đổi một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh cần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, làm đầy đủ trách nhiệm của mình theo đúng quy định.
Về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: việc xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn lược bỏ, đơn giản hóa một số khâu có khả năng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng văn bản; do đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định hạn chế việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, chỉ trong những trường hợp thật cần thiết quy định tại Điều 146 của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh những trường hợp cần ban hành văn bản để bãi bỏ văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với thực tế; hoặc để cho phép kéo dài thời hạn áp dụng một văn bản khác, hoặc phải ban hành văn bản để kịp thời thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Việc ban hành văn bản trong các trường hợp này không làm phát sinh chính sách, đối tượng áp dụng mới; nếu phải thực hiện đầy đủ các khâu như trình tự, thủ tục bình thường là không thực sự cần thiết. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi xây dựng, ban hành văn bản trong những trường hợp cụ thể như đề nghị của Chính phủ.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, một số vấn đề đã được Chính phủ tổng kết, đánh giá và trình Quốc hội sửa đổi Điều 146 theo hướng quy định rõ hơn, chặt chẽ và cụ thể hơn các trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự thảo Luật sửa đổi khoản 3 Điều 147 bổ sung quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn; trong trường hợp này, hồ sơ đề nghị phải kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp như ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, một số nội dung khác có liên quan và các vấn đề kỹ thuật bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế và thống nhất trong Dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định./.