Vụ việc thêm một lần nữa khiến xã hội lo lắng bởi hành vi cực kỳ nguy hiểm của các đối tượng lừa đảo, trục lợi từ niềm tin của người bệnh.
Liên quan đến sự việc này, lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 đều khẳng định, bệnh viện không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) nào qua hình thức trực tuyến (online); chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện cũng chưa triển khai dịch vụ khám, điều trị tại nhà. Vì vậy, mọi lời giới thiệu, mời chào dịch vụ khác với quy định của bệnh viện đều là giả mạo, lừa đảo.
Đây không phải là những bệnh viện đầu tiên lên tiếng cảnh báo về việc mạo danh nhân viên y tế bán TPCN và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện những trang mạo danh bệnh viện để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi của người bệnh với phương thức ngày càng trắng trợn, tinh vi. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là lập hàng loạt trang fanpage mạo danh bệnh viện để chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng.
Cùng với việc sử dụng các trang mạng xã hội mạo danh, nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà bệnh nhân để dẫn đi khám tại phòng khám thuộc bệnh viện. Thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng “nâng cấp” liên tục, từ lập tên trang mạo danh lập lờ dễ gây hiểu lầm đến cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng chính thống, sau đó lồng tiếng quảng cáo sản phẩm để tạo uy tín nhằm dễ lừa đảo.
Để củng cố lòng tin của khách hàng nhằm bán sữa, TPCN, thậm chí vay tiền, các đối tượng lừa đảo đã gửi thông tin dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người bệnh qua Zalo, Facebook. Đặc biệt, không chỉ mạo danh bác sĩ, bệnh viện, nhiều cơ sở còn “thuê” người nổi tiếng (trong đó có các nghệ sĩ) quảng cáo một cách vô căn cứ, làm lẫn lộn giữa thuốc chữa bệnh với TPCN.
Phía bệnh viện, cơ quan chức năng cũng lên tiếng khuyến cáo nhiều lần, xử lý sai phạm cũng không ít song thực tế hiện nay việc quảng cáo, bán thuốc, TPCN online, việc trục lợi từ bán thuốc chữa bệnh giả vẫn không chấm dứt, diễn biến ngày thêm phức tạp.
Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép. Ngoài việc cảnh giác của người dân thì cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa, tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm tình trạng này, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người dân. Đặc biệt là với những đối tượng tự xưng là “thần y” để bán “thần dược” rởm, khiến người dân tiền mất, tật mang.