Hiện nay TP có 47 làng nghề trên 52 nghề thủ công truyền thống của cả nước. Hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. 100% làng nghề được quan trắc đều có chất lượng nước thải ít nhất 3 chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt các làng nghề chế biên nông sản thực phẩm. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện triển khai thí điểm mô hình xử lý nước thải tại làng mây che đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức); Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chê biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai)…
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, qua quá trình khảo sát, nhiều quận, huyện có chỉ số ô nhiễm làng nghề vượt quá 30 lần so với cho phép, người dân rất bức xúc. Bên cạnh nhiều xã, huyện thực hiện tốt thì nhiều nơi chưa thực sự vào cuộc dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm. Do vậy, cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn để xử lý vi phạm, tăng cường chế tài để bảo đảm tính bền vững. Đồng thời, kiến nghị sớm trình HĐND TP nâng mức xử phạt hành chính môi trường, tối đa gấp 2 lần Nghị định của CP, để từ đó răn đe và nâng cao ý thức người dân. Cùng với đó là rà soát đánh giá toàn diện, phân loại cụ thể ô nhiễm từng làng nghề, để có hình thức xử lý thích hợp cho mỗi loại làng nghề. Ngoài ra, đề nghị sở Y tế tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ sức khỏe lao động; vấn đề phòng cháy chữa cháy.
Theo ĐB Nguyễn Chiến, hiện nay vấn đề quy hoạch làng nghề còn lúng túng, chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, cần quan tâm, tạo khoảng cách an toàn với người dân thì mới có thể từng bước khắc phục. Còn ĐB Quốc hội Trần Thị Phương Hoa (Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội) cho rằng, có nhiều bất cập trong công tác đầu tư, nguồn kinh phí từ xã hội hóa chưa có, đầu tư còn dàn trải. Đề nghị cần phải đánh giá rõ hơn các dự án xử lý ô nhiễm đã triển khai, kết quả ra sao để khắc phục. “TP cần có chủ trương đầu tư, nhưng phải xác định làng nghề nào có mức độ ô nhiễm nặng để đầu tư, những nơi đã đầu tư thì bổ sung các nguồn lưc để vận hành hiệu quả, tránh lãng phí”. ĐB Trần Thị Phương Hoa đánh giá.
Đồng tình với những ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng, hiện nay, TP đang tập trung giải quyết, xử lý những yếu tố thiết thực: Môi trường nước, khí, rác thải, thực phẩm... Đồng thời tập trung giải quyết để cung cấp nước sạch và xử lý nước thải cho các cụm hộ, cụm gia đình bằng công nghệ của Đức. Hiện TP mới xử lý được gần 20% nước thải đô thị và nước thải. “Riêng về làng nghề, TP xác định đây là 1 tồn tại rất khó giải quyết so với các loại hình khác. Xử lý ô nhiễm làng nghề liên quan đến nếp sống,văn hoá, thói quen, kinh tế. TP sẽ đào tạo cán bộ, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó là tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm nhằm kiểm soát, nhắc nhở người dân”. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Hiện nay, tình hình ô nhiễm làng nghề tại Hà Nội khá rộng và nghiêm trọng. Nguyên nhân là do phát triển nóng; TP quan tâm nhưng thiếu tính đột phá; ý thức của người dân chưa cao; tư duy bao cấp làng nghề; công tác quản lý còn buông lỏng; truyền thống vi phạm. “Chính vì vậy, TP tiếp tục quan tâm, rà soát, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm và triển khai thực hiện. Tăng kinh phí, cân đối. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Tuyên truyền bằng cách cung cấp thông tin sốc và gây hại để người dân tự bảo vệ mình. Tăng cường công tác chấp hành pháp luật, xử lý những trường hợp vi phạm. Chuyển nghề và không mở rộng những nghề gây ô nhiễm. Quan tâm vấn đề di chuyển ra khỏi khu dân cư.”, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị. Đồng thời cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến, đóng góp của địa phương và trình lên Quốc hội những chính sách để giảm bớt tác động ô nhiễm từ các làng nghề trên địa bàn Thủ đô.