Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp thiết quy hoạch khu dân cư vùng lũ

Trọng Tùng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ là một số địa phương dọc sông Bùi, đặc biệt là huyện Chương Mỹ lại phải vật lộn với công tác phòng, chống lũ. Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài liên quan tới giải pháp cho vấn đề này.

 Công tác hộ đê tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hồ Hạ.
Hệ quả từ lũ rừng ngang 
Có một số thông tin cho rằng, nước sông Bùi lên cao gây ngập lụt huyện Chương Mỹ là do hồ chứa thủy điện Hòa Bình xả lũ. Thông tin này có chính xác không, thưa ông?

- Sự cố tràn đê sông Bùi là tình huống đặc biệt, nhưng không phải là bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp diễn. Nguyên nhân không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, bởi từ nhiều ngày nay, hồ Hòa Bình đã dừng xã lũ. Việc nước sông Bùi lên cao là do ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về và mưa lớn cục bộ khiến mực nước sông nội địa dâng cao.

Thực tế những năm qua, việc xả lũ các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Chính phủ rất quan tâm, bởi điều này có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó có bảo vệ vùng Thủ đô. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai phối hợp với các đơn vị thực hiện rất cẩn trọng; không thể có chuyện xả lũ gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Không chỉ năm nay, năm trước, mà nhiều năm về trước nữa, nhiều địa phương của Hà Nội, điển hình là huyện Chương Mỹ vẫn thường bị ngập do nước sông Bùi lên cao. Vì sao lại có hiện tượng này, thưa ông?

- Thực tế hiện nay, mực nước sông Bùi lên cao trong mùa mưa lũ chủ yếu là do lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Trong những năm trở lại đây, tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra có liên quan tới sự suy giảm mật độ che phủ thảm thực vật tại vùng núi huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Lượng nước mưa không được giữ lại, hoặc sau thời gian mưa kéo dài, “đất no nước”, và do đó khi tiếp tục có mưa cục bộ tại khu vực này, toàn bộ lượng nước sẽ đổ vào sông Bùi gây ngập lụt các địa phương vùng hạ lưu sông thuộc địa phận TP Hà Nội.
 
Rà soát tổng thể hành lang thoát lũ
Suốt nhiều năm qua, người dân huyện Chương Mỹ phải đương đầu với mưa lũ, giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?
- Hiện, một số vị trí trên tuyến đê sông Bùi, nước đã tràn bờ và tình trạng ngập lụt dự kiến sẽ còn diễn ra trong nhiều ngày tới. Do đó, nhiệm vụ trước mắt, TP cần tiếp tục bảo đảm an toàn và tập trung hỗ trợ đời sống cho người dân vùng lũ. Đây là công tác mà T.Ư đánh giá Hà Nội đã thực hiện hết sức chủ động thời gian qua. Bên cạnh đó, tùy theo diễn biến nước rút, cần khẩn trương triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh lây lan… Bố trí dự phòng cây, con giống để hỗ trợ bà con vùng lũ sớm ổn định sản xuất.
Đối với nhiệm vụ về lâu dài, Hà Nội cần sớm quy hoạch lại vùng dân cư ven sông Bùi, trong đó, tính toán cả phương án di dời dân khỏi vùng thường xuyên ngập úng. Trên cơ sở đó, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ven sông. Đặc biệt, cần sớm rà soát tổng thể hành lang thoát lũ, tiếp tục đầu tư củng cố hệ thống đê điều.
Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với một trung tâm đầu não của cả nước như Hà Nội, nhiệm vụ này còn lớn hơn. Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ có hỗ trợ như thế nào đối với Hà Nội trong công tác này, thưa ông?
- Theo phân cấp, tuyến đê sông Bùi là đê cấp 4 do địa phương quản lý. Chính vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đê điều này sẽ do TP Hà Nội chủ động xây dựng phương án và bố trí ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, với những nội dung nằm ngoài khả năng, TP có thể đề xuất các bộ ngành T.Ư xem xét hỗ trợ. Riêng đối với Tổng cục Phòng, chống thiên tai, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội trong công tác tư vấn các giải pháp kỹ thuật về mặt công trình.
Vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được đề được đề xuất của Sở NN&PTNT Hà Nội về việc kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng hồ chứa để điều tiết lũ từ sông Bùi. Chúng tôi sẽ nghiên túc xem xét tính khả thi của phương án này.
Xin cảm ơn ông!
Liên quan tới giải pháp phòng, chống úng ngập cho huyện Chương Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, bên cạnh tích cực gia cố đê sông Bùi, TP đang chỉ đạo các DN thủy lợi ngừng bơm nước vào sông Đáy để giảm áp lực cho hệ thống sông này, đồng thời, tạo điều kiện để tiêu nước sông Bùi vào sông Đáy. Về giải pháp lâu dài, ông Khương cho biết, TP đang nghiên cứu khả năng xây dựng tường chắn ngăn nước lũ trên đê sông Bùi. “Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy. Việc thực hiện quy hoạch này thời gian tới sẽ góp phần giải quyết căn bản bài toán ngập lụt cho Hà Nội…” - ông Khương thông tin.