Một lần nữa, tư tưởng gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận lại được nhắc đến.
Với tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” các cấp ủy, chính quyền từ T.Ư đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của dân; quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp.
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, hệ thống dân vận các cấp đã sâu sát hơn, gắn bó hơn với các cấp chính quyền cơ sở, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, GPMB… việc này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp.
Người cán bộ làm công tác dân vận đã thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân, nói lên tiếng nói của người dân và cũng giúp người dân hiểu rõ hơn những chính sách cần thực thi.
Đặc biệt, trong những năm qua, với phong trào “Dân vận khéo”, nhiều kinh nghiệm hay, mô hình tốt đã ra đời, có tính bền vững, sức lan tỏa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tạo thêm những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Tuy nhiên, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đứng trước nhiều thách thức và đòi hỏi đội ngũ cán bộ dân vận phải có kỹ năng, trình độ vận động Nhân dân, chấm dứt tình trạng thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết vấn đề của dân. Dân vận chính quyền phải là trọng điểm trong công tác dân vận, phải giảm bớt phiền hà, xin cho, nhũng nhiễu khi tiếp xúc với dân. Công tác dân vận không phải là để lấy lòng dân mà phải làm tới nơi, tới chốn, giải quyết được vấn đề cho dân.