Châu Âu tăng cường thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga: Được và mất

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc khánh thành cơ sở tiếp nhận khí đốt hóa lỏng đầu tiên ở nước Đức được chính giới ở Đức và EU đề cao là bước đi thành công đầu tiên trong quá trình dùng khí đốt hóa lỏng từ nguồn cung ứng khác để thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Tác động của việc này tới tâm lý của người dân ở nước Đức và EU không hề nhỏ. Nó cho thấy Chính phủ Đức và EU kiên định chủ trương tăng cường nhập khẩu, sử dụng khí đốt hóa lỏng để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại cũng như trong thời gian tới.

Trong khi "cái được" đối với EU ở đây không thể bị phủ nhận thì "cái mất" cũng ngày càng thêm nhãn tiền. EU đã đặt ra những mục tiêu rất cao xa cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất mà một trong những biện pháp chủ chốt là giảm dần và ngừng sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt. Trên phương diện này, ngay từ bây giờ đã bộc lộ rất rõ cái phản tác dụng và thiệt hại đối với EU.

Dùng khí đốt hóa lỏng nhập khẩu từ nguồn cung ứng khác thay thế cho khí đốt nhập khẩu từ Nga trong thực chất vẫn là tiếp tục sử dụng khí đốt như từ trước đến nay mà khác trước chỉ ở nguồn cung ứng. Nhưng để có thể sử dụng được khí đốt hóa lỏng như khí đốt nhập khẩu của Nga thì EU phải sử dụng năng lượng để đảm bảo lưu giữ, vận chuyển khí đốt hóa lỏng, rồi hóa khí trở lại khí đốt đã được hóa lỏng. EU giải quyết được vấn đề khủng hoảng năng lượng nhưng gặp khó thêm, nếu như không muốn nói là vì thế mà không thể đạt được những mục tiêu đã đề ra cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất.

Để nhập khẩu và sử dụng được khí đốt hóa lỏng từ nguồn cung ứng khác thay thế nhập khẩu khí đốt của Nga, EU phải đầu tư khối lượng vốn lớn vào các cơ sở tiếp nhận khí đốt hóa lỏng ven bờ biển, đóng đội tàu vận tải hàng hải chuyên dụng, xây dựng mạng lưới vận chuyển trong nội địa và cơ sở tái hóa khí. Rồi khi không sử dụng khí đốt nữa thì những đầu tư này cũng hết tác dụng.

Bởi vậy, thực tế trong chuyện này đối với EU là được trước mắt nhưng mất về lâu dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần