Đối với Nga, chiến lược này bao gồm răn đe Nga sẽ phải trả cái giá đắt chưa từng thấy nếu đưa quân đội vượt biên giới tràn sang Ucraine và thiện ý sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Nga. Đối với Ucraine, chiến lược của ông Biden là vừa làm cho Ucraine tin tưởng rằng Mỹ không bao giờ để cho Ucraine bị Nga tấn công quân sự một lần nữa như hồi năm 2014 vừa không cam kết thúc đẩy Nato kết nạp Ucraine vào thời điểm hiện tại.
Tất cả những nội dung này không hề mới. Chúng được ông Biden thâu tóm vào thành chiến lược và công khai vào thời điểm ngay trước cuộc đối thoại an ninh với Nga nhằm hai mục đích.
Thứ nhất là trấn an Ucraine và các đồng minh ở châu Âu. Thông điệp của ông Biden là Mỹ lưu tâm đến quan ngại của họ về Nga và sẽ không bán rẻ yêu cầu an ninh của Ucraine. Đồng thời, thông điệp của ông Biden còn là Mỹ răn đe và cảnh báo Nga cao hết mức nhưng không bước qua một trong những “lằn ranh đỏ” của Nga là NATO kết nạp Ucraine.
Phía Mỹ xem ra muốn thương thảo với Nga về vấn đề Ucraine trong khi mục đích của Nga là thảo luận về dự thảo hiệp ước an ninh mà Nga đã đưa ra cho Mỹ. Mục đích khác nhau cơ bản như thế nên cuộc đối thoại tới đây giữa hai bên sẽ chỉ là nói nhiều nhưng bàn ít và rồi cuối cùng chẳng đạt được thỏa thuận nào.
Nga hướng tới giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề an ninh giữa Mỹ và Nga làm nền tảng và hạt nhân trong giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề an ninh giữa Nga và NATO. Trong khi đó, Mỹ nhằm đạt được giải pháp tình thế ngăn cản Nga tấn công quân sự vào Ucraine, sau đấy rồi tính toán tiếp. Cho dù nghe qua có bùi tai đến mấy thì chiến lược này có thành công hay không còn phụ thuộc vào việc phía Nga có để cho Mỹ thành công hay không.