Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Luật Việc làm (sửa đổi)

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2023. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật…

Người lao động làm việc tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Hữu Trường.
Người lao động làm việc tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Hữu Trường.

Về Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2023, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào Chương trình.

Chính phủ thống nhất sự cần thiết lập Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa cụ thể hơn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với điều kiện, yêu cầu của thời kỳ mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan, cũng như hướng tới giải quyết hiệu quả các vướng mắc của thực tiễn.

Bộ LĐTB&XH trên cơ sở tổng kết việc thi hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực việc làm, cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng hơn về kết quả đạt được, các hạn chế, bất cập, nguyên nhân và phân tích đầy đủ các căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn để bảo đảm sự hợp pháp, khả thi của những giải pháp được đề xuất tại các nhóm chính sách.

Chính phủ cơ bản thống nhất với mục tiêu của 4 nhóm chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Tuy nhiên, cần rà soát, nghiên cứu tập trung và đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với một số giải pháp trọng tâm, thực sự cần thiết. Đặc biệt là nội dung mới mà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh để giải quyết vướng mắc thực tiễn, bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật liên quan. Và, phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, nâng cao chất lượng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong tình hình mới.

Bộ LĐTB&XH cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết thành lập mỗi loại quỹ, làm rõ hơn mô hình hoạt động và cơ chế huy động nguồn vốn là quỹ tài chính ngoài ngân sách có sự hỗ trợ của Nhà nước hay quỹ ngoài ngân sách thực hiện cơ chế xã hội hóa. Và, đánh giá tác động của các quỹ này với các cơ chế tài chính hiện hành, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách của Chính phủ.

Trong quá trình hoàn thiện các chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung thời gian, nguồn lực để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan, nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan, thực hiện tốt công tác truyền thông, lấy ý kiến nhân dân để tạo sự đồng thuận.

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung  cho biết: Cùng với Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững.

Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động. Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.