Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn mức tăng chuẩn trợ cấp xã hội hợp lý

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong giai đoạn vừa qua, chính sách trợ giúp xã hội được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và luôn luôn xác định bố trí những nguồn ngân sách cho những nhóm yếu thế có được sự hỗ trợ kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc sống.

Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng.

Chi trả tiền trợ cấp an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội . Ảnh: Trần Oanh
Chi trả tiền trợ cấp an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội . Ảnh: Trần Oanh

Hiện nay có 8 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng mức chuẩn trợ giúp xã hội. Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, riêng đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng là hơn 3,3 triệu người và 400.000 người nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội (chăm sóc người tâm thần nặng, người khuyết tật nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không tự phục vụ được). Như vậy, hiện nay cả nước có khoảng 3,7 triệu người đang hưởng trợ cấp hằng tháng và Nhà nước đang chi trả 28.000 tỷ đồng/năm, bao gồm trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc, bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP có nhiều vấn đề nảy sinh. Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, với mức chuẩn trợ giúp xã hội mà các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng 360.000 đồng/tháng mới chỉ bằng 24% theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 (1.500.000 đồng/tháng) và bằng 20% mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023 (1.800.000 đồng/tháng).

Như vậy, có thể nói, ở một mặt bằng, so sánh tương quan với những chính sách tiền lương, chính sách giảm nghèo thì mức chuẩn trợ giúp xã hội và trợ cấp xã hội đang rất thấp.

Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành số Nghị quyết 88/NQ-CP năm 2023 giao Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ để nâng mức chuẩn trợ cấp đối với các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Bộ LĐTB&XH đã xây dựng hai phương án mức chuẩn trợ cấp xã hội. Phương án thứ nhất là tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, bằng khoảng 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện từ 1/7/2024, kinh phí phát sinh là 4.700 tỷ đồng.

Phương án thứ hai là tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/tháng lên 750.000 đồng/tháng, tương đương khoảng 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn, ngân sách dự kiến chi 54.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7/2024 thì kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng. Cùng với việc đưa ra hai phương án, Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung 3 nhóm đối tượng được trợ giúp xã hội là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không có người nuôi dưỡng; trẻ em dưới 3 tuổi; người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bộ LĐTB&XH đã gửi đề xuất này tới các bộ, ngành, địa phương và Bộ Tài chính để nghiên cứu, xác định nguồn lực bảo đảm việc tăng trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội một cách phù hợp với khả năng ngân sách. Trước tình hình thực tế lương cơ sở tăng, giá cả sinh hoạt tăng thì khoảng cách giữa chuẩn trợ cấp xã hội với cải cách tiền lương tiếp tục nới rộng. Có những ý kiến chuyên gia cho rằng áp dụng phương án thứ nhất như Bộ LĐTB&XH đưa ra là tăng mức chuẩn trợ cấp lên 500.000 đồng/tháng là rất cần thiết để trợ giúp cho đối tượng.

Song, trong khi mức sống chung của xã hội được nâng lên trong trong điều kiện tăng trưởng kinh tế ở nước ta luôn dương và thu ngân sách Nhà nước cũng tăng thì mức tăng 500.000 đồng/tháng là một sự cố gắng nhưng vẫn còn thấp. Đặc biệt, đến ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tăng mức lương tối thiểu và tăng lương hưu thì cách biệt của mức tăng trợ cấp xã hội được đề xuất là 500.000 đồng/tháng lại ngày càng giãn cách là bất hợp lý.

Và như vậy đối tượng trợ giúp xã hội sẽ giảm tương đối về mức sống. Vì thế, nên tiến tới mức tăng trợ cấp xã hội không thấp hơn tốc độ tăng ngân sách Nhà nước, tăng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng thì ngân sách Nhà nước vẫn có thể bảo đảm được.

Tăng trợ cấp xã hội bảo đảm mối tương quan với cải cách tiền lương, chuẩn nghèo, trợ cấp người có công với cách mạng để bảo đảm đối tượng bảo trợ xã hội không bị bỏ lại phía sau. Và theo đại diện Bộ LĐTB&XH, về lâu dài cần phải có lộ trình, bước đi để chính sách trợ giúp hướng tới, bảo đảm mức sống tối thiểu cho đối tượng bảo trợ xã hội.