Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chồng mới là bạn cũ

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị chăm chú nhìn anh đang ngồi cạnh con gái học tiếng Anh, cùng cúi đầu vào chiếc máy tính bảng. Chị lúc này mới cảm nhận thấy hình ảnh đó quen quen như ở mấy chục năm trước, khi anh cũng ngồi gần chị trong lớp học phổ thông…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hồi đó, chị ngồi khác bàn anh. Rất hiếm khi chị cho anh ngồi gần lúc giờ ra chơi, trừ phi hôm đó có một bài toàn khó chị cần phải hiểu, nếu không nhờ anh thì có lẽ không nhờ ai được. Mỗi khi chị gọi anh giải thích hộ bài toán, thế là anh sốt sắng đến ngay gần chị. Bài toán được giải quyết nhanh chóng, chị nói: “Cảm ơn bạn nhé!”. Thế là anh biết ý, lập tức quay trở lại chỗ cũ.

Chị và anh đều học lớp toán của trường nhưng anh giỏi toán, chị có thiên hướng khá về môn văn. Chị cũng khác nhiều với anh về hình thể. Anh người hơi nhỏ con, nói nhỏ nhẹ. Chị người mảnh dẻ, nhưng khá cao, đi đứng, nói năng ào ào…

Mấy năm học phổ thông trung học trôi qua nhanh. Chị nhập học một trường nghệ thuật. Anh thì như mơ ước từ nhỏ đã thi đậu vào trường Y. Lúc chia tay, anh chỉ nhìn chị với anh mắt rất lạ… Còn chị chỉ nói: “Tạm biệt nhé! Khi nào rỗi thì gặp lại tớ nhé!”.

Ra trường, chị gặp một anh chàng hơi luống tuổi, là công chức nhà nước, tiến sĩ kinh tế nhưng thích viết văn. Anh toát ra vẻ thông minh, từng trải khiến chị ngay từ lúc đầu gặp đã có cảm tình. Còn anh mê chị như thể chỉ có chị là đàn bà, con gái ở trên đời. Sau này, anh thú nhận với chị: “Gặp em, anh thấy đúng em là một nửa của mình…”.

Họ làm đám cưới nhưng không được nhà trai (được coi là danh gia vọng tộc) ủng hộ. Ngay từ ngày đầu ra mắt mẹ chồng, chị đã bị điểm trừ khi phóng mô tô phân khối lớn vào sân nhà của bà, rồi phanh đánh kít một cái. Bà nói với con trai: “Con gái gì mà cứ như đàn ông”.

Họ cưới nhau được một năm thì chia tay. Chị không ngờ rằng anh thông minh, nhiều kiến thức nhưng có lối sống thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, từ chuyện to đến chuyện nhỏ. Anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải làm kinh tế, cần mua sắm gì là anh gọi điện hỏi mẹ tiền…

Lúc chị ra tòa ly dị xong, đang ngồi nghĩ vẩn vơ ở quán cà phê thì nhận được tin nhắn của người bạn học, tức anh chàng hay giải toán cho chị hồi phổ thông trung học: “Uống cà phê với mình nhé?”. Chị nhắn lại: “OK!”. Thế chỉ vài chục phút sau anh có mặt.

Chị nhìn anh với vẻ ngạc nhiên. Anh giải thích: “Có nghe bạn bè nói về cuộc sống của vợ chồng bạn. Bạn bè cũng mách hôm nay bạn và chồng ra tòa. Tớ nghĩ bạn sẽ buồn nên ra uống cà phê cùng”.

Chị lại ngạc nhiên khi anh bạn lù khù, ít nói này hôm nay sao lại nói được dài dòng thế.

Những lần ngồi cà phê với nhau sau đó, chị mới biết anh vẫn thầm yêu, trộm nhớ mình. Anh giờ đây không còn rụt rè như xưa mà dám đưa ra ý kiến thẳng thắn với chị. Anh nói: “Chúng ta là bạn học cũ nay chuyển thành đôi tình nhân và sẽ là vợ chồng nhé”. Chị bỗng phì cười vì nghĩ không biết xưng hô với anh ra sao, “anh em” hay là “mày tao” như hồi đi học…

Về ở với anh, rồi lần lượt có một, hai đứa con, chị mới nhận ra anh có tính cách độc lập, mạnh mẽ hơn bề ngoài như chị tưởng. Anh rất quyết đoán, nhất là trong công việc. Phòng mạch của anh lúc nào cũng đông bệnh nhân vì anh cương quyết với chính sách: Khám giá rẻ như… không công, tiền thuốc thấp nhất. Anh nói: “Bà con nghèo thì mới tìm đến mình”. Nhiều lúc bệnh nhân đông quá, đến 11 giờ đêm anh mới được lên gác nghỉ, lúc đó gần như anh phải bò lên cầu thang.

Một ngày nọ, anh xin nghỉ làm ở bệnh viện dù còn hơn chục năm nữa mới tới tuổi hưu, với lý do: Về làm phòng mạch cũng là giúp bà con; bệnh viện sắp xếp công việc cho anh không phù hợp chuyên môn.

Những lúc rỗi rãi, anh lại ngồi học cùng con; rủ chị và các con đi chơi, đi cà phê… Chị thầm nghĩ: “Bạn cũ ơi! Cảm ơn bạn nhé!”.