Chủ động hợp tác kinh tế nội - ngoại khối ứng phó Covid-19

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu 2020 đã có những tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới, hệ lụy trực tiếp nhất là suy giảm tăng trưởng, thậm chí là suy thoái trên diện rộng trong năm 2020. Việt Nam đang cố gắng phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Yêu cầu tiếp tục nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19.

Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sáng nay 10/11.

Quang cảnh diễn đàn.

Báo cáo của CIEM chỉ ra, dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm những vấn đề của kinh tế thế giới; Gián đoạn các hoạt động kinh tế và gây suy giảm/suy thoái ở bình diện toàn cầu (APEC dự báo tăng trưởng âm 3,7%; IMF tháng 10/2020 dự báo GDP toàn cầu giảm 4,4%; thương mại giảm 10,4%). Bên cạnh đó, các biện pháp bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng; Các nước phải nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng và ít lưu tâm tới các cải cách căn bản khác.

Các báo cáo trong nước và quốc tế cập nhật gần đây đều nhận định Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch bệnh và giảm thiểu hệ lụy đối với nền kinh tế. Bên cạnh những chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời của Chính phủ, kết quả này có một phần quan trọng là từ những cải cách mạnh mẽ và liên tục trong những năm trước đó, qua đó góp phần cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế.  

Dù vậy, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động của nhiều ngành kinh tế quan trọng như du lịch sụt giảm nghiêm trọng; Các ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) thì cũng là các ngành chịu gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo đánh giá của CIEM, tăng trưởng GDP thế giới giảm 1 điểm % thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm 4 điểm %, nhưng mức giảm trong năm 2020 dường như còn nghiêm trọng hơn. Cung sụt giảm như du lịch giảm 3/4. Các ngành được cho là hưởng lợi nhiều từ FDI thế hệ mới và hội nhập như dệt may

Việt Nam đã chuyển nhanh trạng thái để ứng phó với dịch Covid-19 tại những thời điểm quan trọng. Dần có thêm kinh nghiệm trong kiểm soát dịch và giãn cách xã hội để giảm bớt hệ lụy đối với nền kinh tế. Đơn cử như đợt 2 chỉ tập trung ở một số địa phương có dịch bùng phát chứ không giãn cách trên diện rộng.

Trong bối cảnh như vậy, theo các chuyên gia, cải cách vẫn rất cần thiết. Cần cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho DN. Đồng thời phải tận dụng hội nhập hiệu quả (FTA; nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chơi cao hơn; hợp tác đầu tư); Phát triển con người mạnh về sức khỏe, năng suất, khả năng thích ứng với việc làm trong tương lai; Chủ động phát triển bền vững (nhận thức và trách nhiệm của DN. Những vấn đề trên là động lực cho phục hồi kinh tế; ưu tiên đầu tư công.

Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - TS Võ Trí Thành cho rằng, các DN cần chú ý đến vấn đề “tiêu dùng xanh”, sau dịch thì sẽ càng được đẩy lên và cẩn trọng hơn với các loại hàng hóa về thực phẩm, y tế. Hơn nữa, Covid-19 cũng như “chất xúc tác” cho công nghệ số, nên DN cần tận dụng lợi thế so sánh về chi phí lao động, vận chuyển, dịch vụ kết nối và xử lý thông tin…

Về phía cơ quan quản lý, theo ông Võ Trí Thành, cùng với việc khống chế dịch, nhà nước cần tiếp tục công cuộc cải cách gắn với xu thế mới, tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư…

Giám đốc Economica Việt Nam - TS Lê Duy Bình khuyến nghị, Việt Nam cần phát huy và tiếp tục thúc đẩy các điểm mạnh và lợi thế là dịch vẫn được khống chế. Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát, cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách, lãi suất, chỉ số VN-Index, dự trữ ngoại tệ, sự ổn định trong hoạt động tài chính, tiền tệ. Các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư vẫn đang được triển khai Việt Nam vẫn được coi là một trong những địa chỉ đáng tin cậy trong các nỗ lực nhằm tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu. Tận dụng hiệp định thương mại có hiệu lực, mở ra một cơ hội thị trường mới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, và đẩy mạnh kinh tế số và thương mại điện tử. Theo ước tính, kinh tế số của Việt Nam được ước tính đạt 12 tỷ USD, và tăng với tốc độ 38% trong năm 2019 và hơn 40% trong năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần