Chủ động ứng phó trước mùa mưa lũ

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 5 là thời điểm Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, TP trên cả nước bước vào mùa mưa lũ.

Dù những năm qua, TP thường xuyên bố trí ngân sách để đầu tư nâng cấp hạ tầng nhằm chủ động phòng chống, tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan trước diễn biến thiên tai ngày một bất thường hiện nay.
Đê điều cơ bản bảo đảm an toàn

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 627km đê được phân cấp. Trong đó, có hơn 37,7km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt; gần 250km đê cấp I, còn lại là đê cấp II, III, IV, V. Ngoài ra, TP còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133km (chưa được phân cấp).

Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn cho các tuyến đê được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Dọc các tuyến đê hiện đã được đầu tư 162 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn; 364 điếm canh đê; 279 giếng giảm áp; 74 điểm kho bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão cũng đã được xây dựng để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra… Bên cạnh đó, gần 89km tre chắn sóng cũng đã được trồng ven đê, phát huy tác dụng khi mực nước sông lên cao, chắn sóng tốt khi có lũ lớn. Một số công trình hạ tầng phòng, chống thiên tai cũng đang được tích cực triển khai thi công như: Kè Sơn Đà, Minh Quang - Khánh Thượng, Chu Minh (huyện Ba Vì); kè Đông Ngàn đê tả Đuống (huyện Đông Anh)…
  Đê sông Nhuệ đoạn qua huyện Thanh Oai được đầu tư xây dựng kiên cố. Ảnh: Tùng Nguyễn
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, kết quả khảo sát mới nhất cho thấy các tuyến đê qua địa bàn TP cơ bản bảo đảm mặt cắt ngang thiết kế. Các kè bảo vệ hiện ổn định. Hạ tầng nhìn chung bảo đảm khả năng chống lũ năm 2021.

Đỉnh lũ xuất hiện vào tháng 7

Cùng với nguồn vốn được Hà Nội bố trí, tính riêng trong hai năm 2019 - 2020, Bộ NN&PTNT cũng đã quan tâm, hỗ trợ TP đầu tư 38 dự án nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai. Tổng ngân sách đã phân bổ cho Hà Nội của Bộ NN&PTNT là 52,1 tỷ đồng. Hiện, các công trình do Bộ NN&PTNT hỗ trợ đã cơ bản hoàn thành, phát huy hiệu quả trong phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, nỗi lo về an toàn cho hệ thống đê điều tại Hà Nội vẫn chưa hết, do thiên tai năm 2021 được nhận định sẽ diễn biến phức tạp.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy thông tin, đỉnh lũ năm 2021 trên các sông trong khu vực dự kiến cao hơn đỉnh lũ năm 2020. Vào tháng 5 - 6, trên hệ thống các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn, với biên độ lũ lên từ 1,5 - 2,5m. Tháng 7 - 8 là thời gian chính vụ của mùa lũ năm 2021. Nhiều khả năng trên hệ thống sông Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều trận lũ, với biên độ lũ có thể lên tới 4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ trên hạ lưu sông Hồng, sông Đuống, sông Đà được cơ quan khí tượng thủy văn dự báo xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8. Trên sông Đáy và các sông nội tỉnh (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ), đỉnh lũ có khả năng xuất hiện từ tháng 7 - 9/2021.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để chủ động ứng phó với thiên tai năm 2021, TP đã giao đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương lập phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, vị trí xung yếu. Huy động mọi nguồn lực để chủ động xử lý các sự cố phát sinh trước, trong và sau mùa mưa lũ. Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện và từng bước triển khai trên thực tế phương án hộ đê trên từng tuyến đê. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.