Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn): Diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/7, tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đại diện gần 500 nghìn cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô cho biết, 10 năm qua đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tại địa phương ngày càng được chú trọng nâng cao.

 Bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Nhiều chính sách quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân đánh giá, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội là một sự kiện lịch sử, đánh dấu 1 mốc quan trọng trong xây dựng và phát triển Thủ đô, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao vị thế của Thủ đô trước yêu cầu phát triển mới.

Người dân xã Thanh Xuân thấy rằng, 10 năm qua Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội... đã tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng của nông dân. Đời sống vật chất, tinh thần người dân đã có sự cải thiện rõ rệt (năm 2008 thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 đã đạt 39 triệu đồng/người/năm), diện mạo xã Thanh Xuân đang thay đổi từng ngày, Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Về Hội Nông dân xã Thanh Xuân, hiện diện tích sản xuất của Hội đã mở rộng lên 30,5ha với 235 hội viên tham gia, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Mỗi năm, Thanh Xuân đưa ra thị trường trên 1.000 tấn rau, củ, quả các loại, được Hệ thống giám sát và đảm bảo chất lượng Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Hội Nông dân xã đã thành lập 2 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả, tạo niềm tin và giúp người nông dân yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy nghề truyền thống của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

Có được những thành công dù còn khiêm tốn của Hội Nông dân xã Thanh Xuân hôm nay, bà Hậu cho biết, ngoài sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ, hội viên và nông dân, còn là thành công của chủ trương, nghị quyết, chính sách của các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở. Qua đó đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Thành phố đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân mong muốn, để nông dân phát huy trí tuệ, tiềm năng trong phát triển và hội nhập, cần có sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Thành phố; trọng tâm là đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ sản xuất; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cả trong sản xuất và quản lý sản xuất; có chính sách cụ thể hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có chính sách khuyến khích tích cực đội ngũ làm công tác Hội Nông dân các cấp...
 Trồng rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Chọn mô hình rau hữu cơ làm hướng đột phá

Theo bà Hậu, Hội Nông dân xã Thanh Xuân hiện có 8 chi hội và hơn 1.200 hội viên. Ngay từ đầu Hội xác định nội dung cơ bản là vận động hội viên nông dân phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời thực hiện tốt Chuyên đề “Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng” và Chuyên đề “Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Để thực hiện tốt nội dung trên, Hội Nông dân xã đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về các chủ trương xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chương trình đào tạo, huấn luyện, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương pháp quản lý mới...

Trong xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã phối hợp vận động nông dân hiến trên 400m2 đất làm đường giao thông; đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và kinh phí làm giao thông nội đồng trị giá trên 3 tỷ đồng. Hội viên tích cực thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cam kết thực hiện tốt cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Kết quả mà Hội Nông dân xã Thanh Xuân đạt được góp phần tích cực để xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014.

Với vai trò vừa là lãnh đạo Hội nông dân xã vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân, bà Hậu luôn trăn trở làm thế nào để giúp cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để vươn lên có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, đặt ra cho bà cũng lãnh đạo Hội tìm những hướng đi mới, tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các cơ quan cấp trên... để cụ thể hóa thành những giải pháp để tổ chức hướng dẫn, triển khai đến hội viên và người dân một cách hiệu quả nhất.