Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chưa thể tự mãn khi tăng 10 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh“

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Đó là nhận định của TS Lê Đăng Doanh khi Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong năm qua.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, có được kết quả này phải kể đến nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong cải cách thể chế. Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần mạnh dạn hơn trong cải thiện các chỉ số thành phần để đáp ứng với các tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường cũng như hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

 TS Lê Đăng Doanh 
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Việt Nam để đạt được kết quả này?
TS Lê Đăng Doanh: Đây là kết quả của công cuộc cải cách về rất nhiều mặt. Nếu chúng ta xem kỹ thì thấy tất cả những chỉ tiêu đều có bước tăng trưởng đáng kể. Ví dụ như chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin tăng trưởng rất mạnh mẽ, hay các chỉ tiêu khác như thị trường hàng hóa… cũng được đánh giá cao.
Còn những chỉ tiêu khác như việc thanh toán, việc giải quyết phá sản… tất cả những chỉ tiêu đó thì chúng ta cũng cần phải nỗ lực hơn bởi những chỉ tiêu đó lâu nay chúng ta còn chậm tiến bộ. Và, chúng ta phải thực sự có những cuộc cải cách.
PV: Ông đã hài lòng với sự tăng hạn và chỉ số này chưa và vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: Phải nói rằng 67 chưa phải là vị trí gì ghê gớm. Chúng ta vẫn thấp hơn 5 nước ASEAN. Chúng ta mới chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar và vị thế của chúng ta vẫn chưa thay đổi. Bây giờ chúng ta phải làm sao để cạnh tranh với Philippines. Có chỉ tiêu chỉ kém Philippines 0,3 điểm. Thì chúng ta phải làm sao năm tới đây vượt lên Philippines, rồi tiếp cận được với các nước khác, ví dụ như Thái Lan, hiện nay Thái Lan và ngay cả Trung Quốc cũng đang bỏ xa ta khá nhiều.
Vì vậy, vị trí 67 và vượt lên 10 bậc là một điều rất đáng trân trọng, đáng khích lệ, được đánh giá cao. Nhưng hoàn toàn không có lý do gì để tự mãn, mà chúng ta cần phải nhìn thẳng vào bức tranh mấy nước kia – những nước đã hơn từ lâu nay. Còn những nước khác mà chúng ta kém họ thì vẫn chưa vượt được. Và như vậy thì chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải thực sự đề ra những mục tiêu cụ thể, như vượt được Philippines trong thời gian tới đây. Và phải hết sức nghiêm túc xem xét những chỉ tiêu mà chúng ta đang được đánh giá thấp.
PV: Nhìn vào nội lực ở trong nước thì ông nhìn nhận như thế nào về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ. Ông thấy sức cạnh tranh khả năng hội nhập của các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay ra sao?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng 2 Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ đã thực sự được Diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận, và đem lại những kết quả, được quốc tế công nhận. Ở đây một mặt chúng ta rất trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nỗ lực để cắt giảm, yêu cầu cắt giảm ĐKKD.
Ví dụ như Bộ Công Thương đi đầu và cắt giảm được một số lượng giấy phép con lớn. Tuy vậy thì sự đánh giá của Chính phủ và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn có một khoảng cách.
Cộng đồng doanh nghiệp nói rằng mới là cắt giảm trên con số, còn 3 giấy phép cũ gộp vào 1 giấy phép mới, và 1 giấy phép mới thì có 3 giấy phép cháu ở trong đó chứ cũng chưa phải là hết giấy phép. Cho nên điều này chúng ta cần phải thực sự nghiêm túc và xem xét lại.
Và tôi đề nghị cần phải có một hội đồng giám định xem xét để làm sao cho sự đánh giá khác nhau giữa một bên là doanh nghiệp và một bên là Chính phủ thì phải có một trọng tài đánh giá xem thực chất thì bộ nào đã có cải cách mạnh mẽ còn bộ nào thì là bộ 3 giấy phép trước góp lại thành 1 và có giấy phép cháu ở trong đấy… thì chúng ta cần phải xem xét lại.
PV: Theo ông thì cần phải thay đổi vấn đề gì nhất trong thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế. Cải cách thể chế thì quan trọng nhất là công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Công khai minh bạch là Bộ nào, giấy phép gì, đầu tư này thì thủ tục ra làm sao, đất đai như thế nào, ai chịu trách nhiệm, theo đề nghị đầu tư của ai, ai tiếp nhận hồ sơ và hiện tại đang nằm ở đâu và ai là người trả lời… thì cái này rất dễ dàng đưa lên mạng để công bố. Nếu như những đơn thư này không có ai xử lý thì lúc bấy giờ sẽ phải có quy trách nhiệm cụ thể.
Thứ 2 là trách nhiệm giải trình, tức là trách nhiệm cá nhân. Ai ký cái gì thì phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ai đã đồng ý ký hợp đồng ấy mà nhiều tiết mục mù mờ thế? Công bố đi để người dân được biết…
Điều thứ ba tôi nghĩ là cần phải đạt được một bước tiến mạnh mẽ đó là công nghệ thông tin. Hiện nay trên thế giới người ta vận dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử giao hàng tận nhà, rồi thanh toán qua mạng rất nhiều. Và nếu như chúng ta không vận dụng công nghệ thông tin về thương mại điện tử, thương mại điện tử qua biên giới… thì cũng không thể nào mà nâng cao xuất khẩu được. Bây giờ các doanh nghiệp của chúng ta không có địa chỉ, không có kết nối thì rất khó.
Thậm chí các nhà nhập khẩu của Trung Quốc họ còn muốn lắp camera để “Tôi sẽ xem xem anh nuôi heo thế nào, anh trồng rau ra làm sao… Tôi có thể theo dõi anh được…”. Họ không cần đến tận nơi nhưng họ bắt lắp lên để cho họ xem được. Điều đó chúng ta cần phải làm để thúc đẩy công khai minh bạch và có cam kết một cách rất bình đẳng và văn minh giữa các bên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi.