Chuẩn bị kỹ khi trình Quốc hội chủ trương đầu tư hai Dự án Vành đai

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 12/5, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Đường vành đai có cần thiết bố trí đường song hành?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó yêu cầu khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường Vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, về quy mô phân kỳ đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đề xuất của Chính phủ chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc, do đó đề nghị thuyết minh thuyết phục hơn về quy mô đầu tư phân kỳ này. Ngoài ra, rà soát cắt giảm tối đa các nút giao trên toàn tuyến để bảo đảm hiệu quả khai thác, an toàn giao thông và tối ưu tổng mức đầu tư của dự án.

Đặc biệt, về chức năng đường song hành, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam không có quy định về khái niệm, tiêu chuẩn, quy mô đường song hành. Trong khi đó, Chính phủ đề xuất quy mô đầu tư đường song hành rất lớn (35-54,5m), tương đồng với quy mô đường đô thị theo tiêu chuẩn đường đô thị - yêu cầu thiết kế (TXDVN 104 : 2007) về đường đô thị và chủ yếu phục vụ cho việc phát triển không gian đô thị. Hơn nữa, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đường vành đai này không bao gồm các đường song hành. Do đó, đề nghị cần xác định rõ đường song hành là đường đô thị.

Trong phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhất trí về sự cần thiết phải đầu tư 2 dự án này. Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường, đường Vành đai 3 trước đây không có đường song hành, nhưng giờ lại có đường song hành và mặt cắt ngang rất lớn. Trong khi làm hai đường song hành còn đắt hơn đường chính của vành đai. Cho nên cần xác định rõ đường vành đai có cần thiết phải là cao tốc hay không mà bố trí đường song hành?. Vì tại các nước, đường vanh đai chỉ là đường đô thị. “Vậy có cần thiết đường song hành hay không vì thực tế nó không hiệu quả mà làm tăng mức đầu tư lên rất lớn”-Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nêu quan điểm.

Tại phiên họp, ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đường vành đai là đầu tư từ ngân sách T.Ư, còn đường song hành, đường gom phân kỳ đầu tư từ ngân sách của các địa phương. Việc đầu tư đường song hành là để khai thác quỹ đất 2 bên, phát triển hệ thống đô thị xung quanh. Nếu có đường song hành sẽ phát huy được tính hiệu quả.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng cho biết, trong quy hoạch xác định đường cao tốc và đường song hành. Trong đó đường Vành đai 3 là cao tốc đô thị, đầu tư bằng ngân sách T.Ư, còn địa phương lo giải phóng mặt bằng và đầu tư xây lắp. Đây là vấn đề đã bàn nhiều, đường song hành chỉ thiết kế ở khu vực dân cư hiện hữu để kết nối. TP đã tính đoạn nào có đường song hành, chỗ nào thì không, chỗ nào có vỉa hè, chỗ nào không có vỉa hẻ. “Đường cao tốc đô thị nên có đường song hành. Không vì tiết kiệm mà tiết giảm vì sau này nếu đầu tư lại còn tốn kém nhiều hơn”-ông Phan Văn Mãi cho hay.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trình và giải trình là trách nhiệm của Chính phủ, còn các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tùy theo sự phân công. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

“Vì đây là dự án quan trọng quốc gia và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Bởi lúc trình Bộ Chính trị là Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình”- Chủ tịch Quốc hội nếu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, 2 dự án này đều là dự án quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội; là các dự án quan trọng quốc gia cho nên chuẩn bị phải kỹ lưỡng từ vốn, đảm bảo tính khả thi. Tránh việc dự án không khả thi được bố trí vốn, còn dự án khác có tính khả thi thì lại không có tiền. “Trình ra Quốc hội phải đảm bảo tính khả thi và thống nhất cao. Đề nghị Chính phủ căn cứ ý kiến của Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu tiếp thu giải trình, trình ra Quốc hội cho ý kiến”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

 

Về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, theo tờ trình của Chính phủ, chiều dài tuyến 112,8 km, đi qua Hà Nội 58,2km; Hưng Yên 19,3km; Bắc Ninh 25,6km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn một dự án khoảng 85.810 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 28.200 tỷ, ngân sách địa phương 28.200 tỷ và vốn BOT 29.410 tỷ. Mục tiêu là hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021-2025.