Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị thật tốt

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 9 vừa qua, Bộ Chính trị đã thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành T.Ư Đảng thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Trước đó, trong tháng 7, chủ trì cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý, cần "đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược", hoàn thành 1.541km đường sắt tốc độ cao qua 20 tỉnh, TP trong 10 năm, phấn đấu xong trong năm 2035.

Từ năm 2006 đến nay - đủ 18 năm, Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn quốc tế, khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới; tiếp thu ý kiến của các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Chính phủ, Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án.

Sau nhiều cuộc họp, Chính phủ đã thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bảo đảm hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 350km/giờ, chiều dài khoảng 1.541km; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD, hoàn thành năm 2055, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Là dự án quy mô lớn, tiến độ thực hiện là một áp lực cực lớn. Việc triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nhận định sẽ có nhiều thách thức. Với chiều dài 1.541km đường sắt tốc độ cao qua 20 tỉnh, TP, công tác giải phóng mặt bằng sẽ là thách thức hàng đầu. Bởi vậy, với dự án trọng điểm quốc gia này cần có chính sách đặc thù, đặc biệt để làm căn cứ sớm triển khai dự án.

Dự án cũng đã được xác định sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Đây là công trình thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng, là công trình động lực nên bên cạnh việc được ưu tiên nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT cần nhận diện rõ nét các vấn đề để bảo đảm tính khả thi.

Nhìn từ thực tế các dự án đường sắt đô thị triển khai chậm có lý do trong nước thiếu nhân lực am hiểu về loại hình vận tải này, vấn đề tương tự lại được đặt ra với đường sắt tốc độ cao. Khi đưa ra phương án vận hành, cần tính toán đến việc đào tạo nhân lực để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao thực hiện thế nào để không quá phụ thuộc vào nhân lực từ các nước có kinh nghiệm về đường sắt cao tốc.

Công tác đào tạo trong nước và quốc tế với khối lượng nhân sự thi công, vận hành khổng lồ cần được tính đến từ sớm. Thậm chí, có những nhân lực cần được đào tạo ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư để nghiên cứu loại hình, công nghệ đầu tư, quản lý dự án.

Về chuyển giao công nghệ, dù các DN trong nước có thể làm chủ công nghiệp xây dựng (cầu, đường, hầm), song về lâu dài để tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo trì, sửa chữa, cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác để phát huy tính tự lực, tự cường.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình động lực, trọng điểm quốc gia, đồng thời là mong mỏi của người dân cả nước. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra và đưa dự án về đích đúng thời hạn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các bộ, ban ngành, các tổ chức, cá nhân, nhà thầu cần nêu cao tinh thần làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên ngày, xuyên đêm, xuyên lễ, Tết. Những địa phương có đường sắt chạy qua cần tạo điều kiện tốt nhất, tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại cho công trình giống như công trình đường dây 500kV mạch 3 để rút ngắn thời gian 10 năm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.