Những điểm sáng an sinh xã hội
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024 được tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội và 63 điểm cầu trên cả nước.
2023 là năm đầy biến động với khó khăn, thách thức nhiều hơn dự báo, đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, suy giảm các động lực tăng trưởng từ sản xuất, thương mại, đầu tư và đặc biệt là nền kinh tế. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát kịp thời, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của các Bộ, ngành, cộng đồng DN, địa phương và toàn dân, Việt Nam đã vượt qua những “cơn gió ngược”. Tăng trưởng GDP của năm 2023 ước đạt trên 5%, có thể chưa cao nhưng đây là điều rất mong ước của nhiều nước trên thế giới.
Trong thành công của đất nước, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành LĐTB&XH, với những thành tích hết sức nổi bật. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, toàn ngành đã thực hiện tốt các giải pháp phục hồi thị trường lao động, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh cho lao động bị buộc nghỉ, giảm thôi việc, mất việc ở các DN. Bằng nhiều giải pháp, Việt Nam đưa được 150.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 129% so với kế hoạch năm góp phần đảm bảo công ăn việc làm cho người dân.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu. Việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục được ổn định và tăng so với cùng kỳ năm 2022, thể hiện quý III năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,9 triệu đồng, tăng 7,9% so với năm 2022.
Toàn ngành thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa và huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống cho trên 1,13 triệu người có công với cách mạng. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành LĐTB&XH đã đạt được trong 2023 – một năm đầy thử thách và sóng gió. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào vẫn còn có những thách thức, tồn tại rất lớn cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Đó là thị trường lao động có lúc chưa cân đối trong cung – cầu, còn rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên còn cao, gần 8%; số người tham gia bảo hiểm xã hội dừng tham gia có xu hướng tăng trong thời gian gần đây là hiện tượng rất đáng báo động…
Quý 1/2024 khai trương sàn giao dịch việc làm quốc gia
Năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn đối với toàn cầu và đặc biệt là Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, chúng ta phải xác định rõ thách thức để vượt qua, tạo ra được các cơ hội. Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế của thời đại và thúc đẩy về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trí tuệ. “Nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá của chúng ta để có thể rút ngắn khoảng cách bắt kịp đi cùng và vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Nhất trí cao với 14 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành LĐTB&XH đặt ra trong năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị bổ sung một số việc ưu tiên. Đó là trước Tết Âm lịch 2024, Bộ LĐTB&XH tham mưu trình Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội. Theo đó, chuyển đổi từ việc thực hiện chính sách an sinh xã hội “đảm bảo và ổn định” sang “ổn định và phát triển”.
Đồng thời, Bộ LĐTB&XH thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Quốc hội sẽ thông qua vào kỳ họp thứ bảy và Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám. Bộ LĐTB&XH phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Và trước khi chưa có Luật Công đoàn (sửa đổi) thì kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành một nghị định của Chính phủ để quản lý những vấn đề trên thực tiễn đã đặt ra và để cụ thể hóa những thỏa thuận với Tổ chức Lao động quốc tế.
Bộ LĐTB&XH chú trọng dự báo sát nhu cầu của thị trường lao động; thành lập sàn giao dịch về lao động. Trong quý 1/2024, Bộ LĐTB&XH hoàn thiện và khai trương sàn giao dịch việc làm điện tử quốc gia. Với sàn giao dịch việc làm này, Bộ sẽ theo dõi, đánh giá để đảm bảo luôn cập nhật cung và đảm bảo phát triển cầu lao động.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ GD&ĐT hoàn thiện các cơ chế liên thông về chương trình giữa các bậc học, trình độ. Trong khi chưa sửa luật, hai Bộ ban hành cơ chế xây dựng những chuẩn chương trình, nội dung giáo dục, bằng cấp và có sự thừa nhận để đảm bảo sự liên thông về giáo dục các cấp học.
Đặc biệt, trong thời gian tới, ngành LĐTB&XH cần tiếp tục đóng vai trò là hạt nhân trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt chính sách ưu đãi người có công cách mạng. Bộ LĐTB&XH cần nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội. Theo Phó Thủ tướng: Hiện nay chúng ta đang gấp rút để bổ sung hồ sơ và để tìm những người đủ tiêu chuẩn người có công. Đây là những việc hết sức nhân văn của xã hội và cũng là một đặc trưng của Việt Nam - đất nước đã trải qua chiến tranh, có những chính sách rất là tốt đẹp…