Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 5/7, khiến chỉ số S&P 500 kết thúc chuỗi 3 phiên liên tục lập kỷ lục trước đó. Báo cáo việc làm của Mỹ tốt hơn mức dự báo khiến nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể giảm bớt lập trường mềm mỏng về chính sách tiền tệ trong cuộc họp cuối tháng này.
Cả 3 chỉ số chính là S&P 500, chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite đã tăng điểm cao nhất mọi thời đại vào giữa tuần trước. Lĩnh vực tài chính của S&P 500 là chỉ số có mức tăng lớn nhất, nhờ sự phục hồi của cổ phiếu ngân hàng.
Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này tạo được 224.000 công việc mới trong tháng 6, mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng, và vượt xa mức dự báo 160.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Giới giao dịch giảm mạnh đặt cược vào khả năng FED hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp định kỳ vào ngày 30-31/7. Tuy vậy, thị trường vẫn giữ niềm tin rằng FED sẽ hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm.
Trong tháng 5, thị trường Phố Wall đã giảm điểm mạnh do các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung bị đình trệ và các dữ liệu kinh tế không khả quan. Sang tháng 6, chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh nhờ FED và các ngân hàng trung ương lớn khác phát tín hiệu sẽ mềm mỏng hơn đối với chính sách tiền tệ.
"Hy vọng cuối cùng, lớn nhất của giới đầu cơ giá lên hiện nay là FED sẽ hạ lãi suất", nhà quản lý danh mục Tobias Carlisle thuộc Acquirers Funds nhận xét. "Vì thế giới đầu tư cổ phiếu theo dõi FED thực sự chặt chẽ, và FED cũng đang theo dõi thị trường".
Chốt phiên giao dịch ngày 5/7, chỉ số Dow Jones trượt 0,16%, còn 26.922,12 điểm. S&P 500 giảm 0,18%, còn 2.990,41 điểm. Chỉ số Nasda hạ 0,1%, còn 8.161,79 điểm.
Mặc dù dữ liệu việc làm tăng trưởng tích cực, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy tiền lương tăng trưởng chậm lại và một số dấu hiệu khác về một nền kinh tế đang mất đà tăng trưởng. Điều này có thể thúc đẩy FED có lý do để hạ lãi suất vào cuối tháng, song điều mà thị trường băn khoăn là mức lãi suất sẽ được hạ cụ thể.
Trong bản báo cáo một năm hai lần gửi lên Quốc hội Mỹ, FED cam kết sẽ "hành động phù hợp" để duy trì tăng trưởng kinh tế. FED nói tăng trưởng kinh tế Mỹ tiếp tục diễn ra "với tốc độ chắc chắn" trong nửa đầu năm, nhưng có thể sẽ yếu đi trong những tháng gần đây do tác động của chính sách thuế quan.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 0,73% phiên này nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hồi phục. Các nhóm cổ phiếu phòng thủ gồm bất động sản, dịch vụ tiện ích và tiêu dùng thiết yếu đều giảm.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu của chứng khoán Mỹ ở phiên này ở mức thấp do nhiều nhà đầu tư còn chưa trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Có khoảng 5,08 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 6,8 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bất chấp đà sụt điểm trong phiên này, các chỉ số chính đều tăng mạnh trong tuần qua. Cụ thể, Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 1% trong tuần này, còn Nasdaq Composite vọt gần 2%. Chứng khoán Mỹ cũng lên mức cao mọi thời đại hôm 3/7.
Gregory Faranello - Giám đốc bộ phận lãi suất Mỹ tại Amerivet Securities, nhận định: “Con số việc làm rất mạnh mẽ. Chủ đề thực sự bây giờ sẽ chuyển rất nhanh sang ý nghĩa của con số trong bối cảnh chúng ta đang định giá các động thái của Fed trong tháng 7”.