Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 5/3, chỉ số Nasdaq Composite mất 1,65% xuống 15.939,59 điểm, Dow Jones sụt 404,64 điểm (tương đương 1.04%) còn 38.585,19 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,02% xuống còn 5.078,65 điểm.
Cổ phiếu công nghệ đã kéo lùi thị trường Phố Wal trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Cổ phiếu Apple lao dốc 3% sau khi báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research cho thấy doanh số bán điện thoại iPhone tại thị trường Trung Quốc giảm chóng mặt trong 6 tuần đầu tiên của năm 2024.
Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Netflix và Microsoft đồng loạt giảm gần 3%. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla cũng mất gần 4%. Công nghệ thông tin là nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 khi cùng sụt hơn 2%.
Ngoài các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, GitLab cũng lao dốc 21% sau khi công ty phần mềm này đưa ra dự báo kém khả quan cho cả năm 2024. Cổ phiếu Intel và Salesforce chứng kiến kết quả giao dịch tệ nhất trong chỉ số Dow Jones khi giảm hơn 5%.
Giám đốc đầu tư Scott Ladner của công ty Horizon Investments nhận định với đài CNBC về phiên giao dịch tệ hại của cổ phiếu công nghệ. “Diễn biến trên thị trường trong ngày hôm nay cho thấy những cổ phiếu đã từng thành công suốt cả năm qua lại đang bị bán tháo mạnh nhất”.
Một số chuyên gia cho rằng đợt bán tháo ồ ạt cổ phiếu công nghệ trong ngày 5/3 một phần do nhà đầu tư tăng tốc chốt lời đối với một số cổ phiếu sau khi tăng tới 56% trong năm 2023.
Trái ngược với lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Target tăng hơn 12% sau khi nhà bán lẻ ghi nhận lợi nhuận quý nghỉ lễ cao hơn so với dự báo của Phố Wall. Cổ phiếu AeroVironment nhảy vọt gần 28% nhờ báo cáo hàng quý tốt hơn kỳ vọng và triển vọng tích cực.
Phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm về đợt tăng kỷ lục của các chỉ số - chủ yếu nhờ "cơn sốt" công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Mặc dù có phiên giảm điểm sâu, cả ba chỉ số trung bình chính của chứng khoán Mỹ vẫn cao hơn đáng kể so với đầu năm. Trong năm nay, cả ba chỉ số trên đều đã chạm đến đỉnh lịch sử mới.
Trong tuần này, thị trường sẽ tìm kiếm manh mối về hướng đi của lãi suất từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Lãnh đạo của Fed dự kiến sẽ điều trần trước Hạ viện và Thượng viện.
Thị trường đang gia tăng tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Khả năng Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6 tăng lên sau khi các số liệu kinh tế Mỹ công bố trong ngày thứ Ba cho thấy những tín hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng.
Theo báo cáo mới nhất, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ trong tháng 1 chậm lại nhiều hơn so với dự báo và lượng đơn hàng mới mà các nhà máy nhận được cũng giảm mạnh hơn so với kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo báo cáo Chỉ số nhà quản lý mua hàng công bố ngày 5/3, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững vàng bất chấp việc Fed tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022.
Craig Fehr - người đứng đầu chiến lược đầu tư tại Edward Jones ở St. Louis, cho biết, giới đầu tư trên thị trường Phố Wall tỏ ra thận trọng hơn với tài sản rủi ro sau khi đón nhận những dữ liệu kinh tế trái chiều trong ngày 5/3.
Trên thị trường tài chính, bitcoin cũng vừa vượt kỷ lục cũ. Tuy nhiên ngay sau đó, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất tính theo vốn hóa đã chìm vào sắc đỏ. Hiện bitcoin đang được giao dịch quanh ngưỡng 63.000 USD.