Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ rung lắc, Dow Jones sụt gần 100 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên đầu tuần, chỉ số S&P và Nasdaq Composite cùng tuột khỏi mức kỷ lục mọi thời đại, còn Dow Jones giảm gần 100 điểm.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống trong phiên 4/3. Ảnh: AP
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống trong phiên 4/3. Ảnh: AP

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động trong phiên ngày 4/3 dù cổ phiếu công nghệ duy trì xu hướng tăng nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 mất 0,12% xuống còn 5.130,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,41% về mức 16.207,51 điểm, còn Dow Jones giảm 97,55 điểm (tương đương 0,25%) xuống 38.989,83 điểm.

Phiên lao dốc của Phố Wall diễn ra sau khi cả S&P 500 và Nasdaq Composite cùng lập kỷ lục mới trong tuần trước.

Đà giảm điểm của các chỉ số chính được hạn chế một phần nhờ mức tăng hơn 3% của cổ phiếu chip Nvidia.

Cổ phiếu của Super Micro Computer tăng vọt 18% sau khi S&P Dow Jones Indices thông báo công ty sẽ gia nhập chỉ số S&P 500 vào cuối tháng này. Một số cổ phiếu có liên quan tới bitcoin như Microstrategy và Coinbase cũng hưởng lợi khi đồng tiền mã hóa này tiến sát mức cao nhất mọi thời đại. 

Tuy nhiên, một số công ty công nghệ khác lại đi xuống và gây áp lực đối với thị trường. Cổ phiếu Apple giảm 2,5% sau khi công ty chịu án phạt chống độc quyền gần 2 tỷ USD của Liên minh châu Âu. Cổ phiếu Tesla cũng sụt hơn 7% sau khi hãng xe điện công bố các đợt giảm giá và ưu đãi mới vào cuối tuần trước. 

Đợt phục hồi mạnh của chứng khoán Mỹ trong năm 2023 và các tháng đầu năm nay chủ yếu dựa vào đà tăng của cổ phiếu AI. Tuần trước, Nasdaq Composite đã chạm mức đỉnh lịch sử mới trong phiên 1/3, trở thành chỉ số chính cuối cùng thiết lập kỷ lục trong năm 2024. 

Tuy nhiên, với định giá cổ phiếu bị đẩy lên cao, giới nhà đầu tư lo ngại rằng đà tăng điểm khó duy trì.

Tuần trước, Nasdaq Composite đã chạm mức đỉnh lịch sử mới trong phiên 1/3, trở thành chỉ số chính cuối cùng lập kỷ lục trong năm 2024. 

Chiến lược gia Marko Kolanovic của ngân hàng JPMorgan lưu ý: “Thị trường chứng khoán tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới, bitcoin vượt mức 60 nghìn USD, điều này báo hiệu nguy cơ bong bóng trên thị trường và buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn”.

Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng của CFRA Research, nhận định với CNBC: “Các nhà đầu tư đang tự hỏi, có nên chốt lời vào thời điểm này hay cứ tiếp tục? Trong bối cảnh thị trường giảm nhẹ, tôi cho rằng các nhà đầu tư nên ngồi im và thực sự không làm gì cả”.

Tuần này, thị trường sẽ tìm kiếm manh mối về hướng đi của lãi suất từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Lãnh đạo của Fed dự kiến sẽ điều trần trước Hạ viện và Thượng viện. 

Tại cuộc họp chính sách từ 19-20/3 sắp tới, Fed dự kiến sẽ duy trì lãi suất chuẩn trong khoảng 5,25-5,5%. Đồng thời, ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra các dự báo cập nhật về triển vọng lãi suất năm nay trong bối cảnh lạm phát đang giảm.

Các nhà đầu tư hiện đang mong đợi một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, thời điểm đó có thể thay đổi nếu lạm phát chững lại, hoặc thị trường việc làm và tiền lương tiếp tục vượt kỳ vọng.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic hôm 4/3 nói rằng Fed không chịu áp lực khẩn cấp trong việc cắt giảm lãi suất do nền kinh tế và thị trường việc làm vẫn tăng trưởng khỏe mạnh.

Theo ông Bostic, việc Fed thông qua hai đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay là khả thi và phù hợp. Tuy nhiên, Fed cũng đang có gắng đảm bảo rằng sức mạnh kinh tế hiện tại không phát triển thành “bọt nước” và tạo nên một đợt lạm phát mới.

Về dữ liệu kinh tế, khảo sát việc làm của ADP và số liệu tuyển dụng tháng 1 sẽ được công bố vào ngày 6/3, cung cấp thêm thông tin về thị trường lao động. Sau đó, báo cáo việc làm chính thức của tháng 2 sẽ được công bố vào ngày 8/3.