Cụ thể, trong những ngày gần đây, các ngân hàng từ lớn đến nhỏ đều tuyên bố dành hàng nghìn tỷ đồng với các hình thức hỗ trợ như giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn đối với các khách hàng có mục đích vay để trồng các loại nông sản, trái cây thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít…; Giảm, miễn 100% phí thanh toán cho các DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; Đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực với lãi suất ưu đãi, bên cạnh mức 6%/năm dành cho lĩnh vực ưu tiên. Đến thời điểm này, có ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất cho vay 3%/năm, thấp hơn tiền gửi tiết kiệm.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Trong điều kiện thanh khoản dồi dào như hiện tại, NHNN khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng. Nếu cần thiết, NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành, qua đó gián tiếp giúp các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ DN chịu thiệt hại trong thời điểm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Một số ngân hàng giảm phí thanh toán chuyển khoản; tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử Online banking, Mobile banking… Theo Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), lượng giao dịch thanh toán điện tử trong mùa dịch gia tăng hơn so với trước. Cơ hội tăng thanh toán không dùng tiền mặt do nhận thức của người dân đã tăng lên.
Đánh giá cao sự nhanh chóng vào cuộc của ngành ngân hàng, nhiều chuyên gia cho rằng việc NHNN đưa ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh là vô cùng cần thiết và kịp thời trong thời điểm này. Chính vì thế, các tổ chức tín dụng cần phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của NHNN để hỗ trợ DN duy trì sản xuất kinh doanh trong dài hạn. Đồng thời các ngân hàng cần có sự thẩm định chuẩn xác đối với những DN chịu tác động bởi dịch cúm Covid-19 để có thể đưa ra giải pháp phù hợp, tránh trường hợp có những đối tượng lợi dụng để được hưởng lợi dù không chịu tác động từ dịch bệnh. Để tránh nợ xấu, các ngân hàng cơ cấu lại nợ, dư nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho phù hợp với từng ngân hàng.
Đồng thời, cơ quan quản lý cần có những tiêu chí cụ thể về đối tượng, mức độ thiệt hại… thì các ngân hàng mới có cơ sở để thực hiện, có những giải pháp hỗ trợ phù hợp và đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Không chỉ ngành ngân hàng tích cực hỗ trợ, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ ở cả ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại... Như ngành tài chính có thể xem xét giảm thuế, ngành công thương có tác động kịp thời trong đàm phán để có thêm cơ hội mở rộng thị trường, mặt khác có động thái cụ thể thúc đẩy thị trường trong nước… Tất cả đều cần chung tay hành động vì DN.