Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà:

Chung tay tháo gỡ nút thắt trong cơ chế để thực hiện cam kết

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu khai mạc.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc tại Lễ phát động.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc tại Lễ phát động.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, trong những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai và sự thiếu hụt về nguồn nước đã, đang là những thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại. Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 28/2/2022 của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai sẽ ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, sinh kế của người dân ngày càng bị đe dọa. IPCC ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt, một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm. 

“Gia tăng dân số toàn cầu, tình trạng đô thị hóa kéo thêm sự suy thoái về thiên nhiên, môi trường, cộng hưởng thêm tác động của dịch Covid-19 đang làm phức tạp hóa hơn những thách thức mà Trái đất đang phải đối mặt. Dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn tài nguyên nước ngầm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm, chúng ta đang phải chịu từ 6-7 cơn bão; những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất nhiều hơn, gây trở ngại đến sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều thiên tai bất thường, cực đoan và khó dự đoán đã diễn ra.

Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Người dân cả nước cần tích cực cùng chung tay để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững. 

Cần có chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thuỷ văn quốc gia, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm, đẩy mạnh hợp tác hợp tác quốc tế và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. 

Cùng đó, tiếp tục thúc đẩy sử dụng nước một cách thông minh, tiết kiệm, tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm, làm tăng trở lại nguồn nước ngầm bị suy giảm là những việc cần làm để góp phần quan trọng cho phát triển quốc gia phồn thịnh, bền vững, đảm bảo an ninh nước và sinh kế dựa vào nước.

“Phát triển ít phát thải hướng tới phát thải ròng bằng "0" đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn và đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn từ mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải có sức chống chịu cao, cùng chung tay tháo gỡ ngay các nút thắt trong cơ chế, tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo cam kết của Việt Nam.”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. 

Tại Lễ phát động, Tổng cục KTTV đã công bố kết quả và trao giải cho các tập thể và cá nhân đạt giải Cuộc thi “Khí tượng Thủy văn trong em”.