Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP Cần Thơ đã báo cáo về kết quả đạt được trong năm. Cụ thể, năm 2022, thành phố đã thực hiện 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt 100%; 03 chỉ tiêu chưa đạt; 02 chỉ tiêu chưa xác định; về nhiệm vụ đã hoàn thành 58/75 nhiệm vụ, chưa hoàn hành 17/75 nhiệm vụ.
Năm qua, TP Cần Thơ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND TP Cần Thơ làm Trưởng ban với 607 tổ, hơn 2.400 thành viên tham gia. Phát triển dữ liệu số, nền tảng số phục vụ quá trình chuyển đổi số của TP với một số kết quả như tích hợp, kết nối hơn 24 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia và nền tảng chia sẻ dữ TP.
Cổng dịch vụ công TP Cần Thơ và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06; phát triển ứng dụng Can Tho Smart, hệ thống Dịch vụ công 1022 tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của người dân mang lại hiệu quả bước đầu góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đã phê duyệt chương trình hỗ trợ daonh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuyển đổi số, kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển Khu CNTT tập trung. Hạ tầng viễn thông quan tâm đầu tư góp phần phát triển xã hội số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thí điểm mô hình Chợ 4.0…
Theo Đại tá Lương Văn Bền – Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, như số hóa dữ liệu được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện, với kết quả số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 105.418 kết quả.
Bên cạnh đó, qua 2 tháng triển khai thực hiện 3 mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến, lực lượng công an đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, những lợi ích mang lại cho người dân, tổ chức trong công tác triển khai dịch vụ công, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, định danh điện tử. Kết quả, tiếp nhận trên 4.000 hồ sơ, trong đó có hơn 3.500 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và hơn 500 hồ sơ đăng ký cư trú.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Trần việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị, trong năm 2023 phải thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trên nền tảng kết quả thực hiện của năm 2022; triển khai có lộ trình cụ thể, theo trọng tâm trọng điểm, nhất là có nhiệm vụ, giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại trong năm qua.
Đặc biệt là sau khi hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP, do đó đòi hỏi các dữ liệu chuyên ngành, nhất là dữ liệu dân cư TP phải đảm bảo tính chính xác, tạo điều kiện cho công dân trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, các dữ liệu chuyên ngành khác cũng phải sớm hoàn thiện, thường xuyên phối hợp các đơn vị có liên quan để làm sạch dữ liệu, đảm bảo xây dựng một dữ liệu dùng chung của thành phố thật sự “đúng, đủ, sạch, sống”.
Đặc biệt, năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, do đó, các ngành phải quyết liệt, tập trung việc số hóa dữ liệu, cập nhật rà soát dữ liệu, phát triển dữ liệu, thực hiện quản lý, chia sẻ dữ liệu. Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND TP kết quả thực hiện chuyển đổi số (qua đầu mối Công an thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông). Đặc biệt, mỗi cơ quan, đơn vị (nhất là lĩnh vực thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp) chọn 01 nội dung trọng tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực của ngành mình, địa phương mình đăng ký, cam kết với thành phố để triển khai thực hiện, là cơ sở tạo bước đột phá chuyển đổi số trong năm 2023.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, trong năm 2023 thực hiện rà soát hiện trạng, nâng cấp mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin đào tạo, tập huấn cán bộ công chức, viên chức phục vụ chuyển đổi số và Đề án 06. Tăng cường nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; giao tỷ lệ cho các đơn vị thực hiện; đẩy mạnh, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, trường học và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Trong đó, đối với các Sở, ngành được phân công làm chủ đầu tư các nhiệm vụ, dự án của Đề án đô thị thông minh, Kế hoạch Chuyển đổi số phải khẩn trương tổ chức thực hiện. Đối với UBND quận huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo bố trí, phân bổ kinh phí cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương...