Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia nói gì về việc Thái Lan xin gia nhập BRICS?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Thái Lan lên kế hoạch gia nhập nhóm BRICS là quyết định cần thiết khi quốc gia Đông Nam Á này muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch với các thành viên trong khối, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong tuần này, Thái Lan cho biết sẽ nộp đơn xin trở thành thành viên của khối kinh tế BRICS. Ảnh: Russiaspivottoasia.com
Trong tuần này, Thái Lan cho biết sẽ nộp đơn xin trở thành thành viên của khối kinh tế BRICS. Ảnh: Russiaspivottoasia.com

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass hôm 30/5, nhà khoa học chính trị Thái Lan Rom Phiramontri khẳng định, việc Thái Lan tham gia nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS là điều cần thiết giữa thời điểm vai trò của đồng bạc xanh và đồng euro trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu.

"Việc sử dụng đồng USD và euro trong giao dịch thương mại toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong tương lai. Vì vậy, việc gia nhập nhóm BRICS là một bước đi quan trọng đối với Thái Lan. Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng tăng tốc đẩy mạnh dự trự vàng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại với Trung Quốc – một thành viên quan trọng của BRICS” - chuyên gia Rom Phiramontri cho hay.

Trước đó, hôm 28/5, Chính phủ Thái Lan thông báo rằng quốc gia Đông Nam Á này sẽ nộp đơn xin trở thành thành viên của khối kinh tế BRICS.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết, Nội các ở Bangkok đã phê duyệt nội dung của công văn bày tỏ ý định gia nhập nhóm.

Theo ông Chai, công văn tuyên bố rằng Thái Lan hiểu tầm quan trọng của thế giới đa cực và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong giải quyết vấn đề quốc tế.

Chính quyền Bangkok tin rằng tầm nhìn về tương lai của họ phù hợp với các nguyên tắc BRICS và việc tham gia sẽ mang lại lợi ích cho đất nước về nhiều mặt, bao gồm nâng cao vai trò của quốc gia Đông Nam Á trên trường quốc tế và tạo cơ hội tham gia định hình trật tự thế giới mới.

BRICS đã mời các quốc gia không phải thành viên tham gia hội nghị thượng đỉnh của nhóm, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tại Kazan, Nga. Theo người phát ngôn Chai, việc tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ là cơ hội để Thái Lan đẩy nhanh quá trình nộp đơn xin gia nhập khối.

BRICS ban đầu bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Vào đầu năm nay, khối đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Có 15 quốc gia khác cũng đã phát tín hiệu muốn gia nhập khối, trong đó có Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Senegal và Venezuela.

Vào tháng 4 vừa qua, Đại sứ Sri Lanka tại Nga Janitha Abeywickrema Liyanage cho biết, quốc gia Nam Á này đang có kế hoạch xin gia nhập BRICS.

Phát biểu với  báo giới hôm 24/4, Đại sứ Janitha Abeywickrema Liyanage xác nhận rằng “Sri Lanka đang có kế hoạch tham gia nhóm BRICS và hy vọng rằng việc gia nhập sẽ mang lại cơ hội thuận lợi về giao thông và đảm bảo an ninh lương thực”.

Trong năm ngoái, nhóm BRICS đã tìm cách giảm sự phụ thuộc quốc tế vào đồng USD. Mong muốn đó đã được đáp ứng bằng những nỗ lực phi USD hóa của các nước thành viên ngày càng tăng và các cuộc thảo luận về việc tạo ra đồng tiền chung của khối.

Hiện tại, kế hoạch đầy tham vọng này đang có những tiến triển khi đồng tiền chung BRICS có thể sẵn sàng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi tài chính toàn cầu vào năm 2024, theo trang Watcher.guru.

Trong tháng này, các thành viên BRICS là Nga và Iran tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng đồng tiền BRICS ngay trong ngày ra mắt và loại bỏ đồng USD trong giao dịch. Hiện cả Moscow và Tehran đều đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, vì vậy hai nước này mong muốn giảm phụ thuộc đồng USD.

BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu và dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương 45% tổng dân số thế giới. Nhóm BRICS cũng nắm giữ hơn 40% sản lượng dầu của thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP), so với chỉ hơn 30% của G7. BRICS đặt mục tiêu vượt G7 về GDP danh nghĩa toàn cầu trong 4 năm tới, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) Dilma Rousseff cho biết vào tháng 2.