Chuyển thời chăng?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn thuần tuý vào những động thái ngoại giao thì quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực theo hướng bớt băng giá.

Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày hai nước này thiết lập quan hệ ngoại giao, Ngoại trưởng Hàn Quốc đã tới Nhật Bản và lần đầu tiên kể từ 4 năm nay mới có cuộc thăm cấp cao đến vậy giữa hai bên. Vị chức sắc này của Chính phủ Hàn Quốc không chỉ được đón tiếp nồng hậu mà còn được đích thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết thúc đẩy quan hệ song phương. Kể từ khi ông Abe lên cầm quyền ở Nhật Bản cuối năm 2012 và bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc đầu năm 2013 đến nay, hai nước chưa có chuyến thăm chính thức cao cấp nào, nhưng hai vị cũng đã gặp nhau 2 lần bên lề hội nghị quốc tế. Nếu không có gì đột biến xảy ra thì nhiều khả năng vào mùa thu này sẽ có cuộc gặp cấp cao giữa ba nước Trung - Nhật - Hàn ở Hàn Quốc. Khi đó đương nhiên sẽ có cả cuộc gặp song phương giữa ba đối tác này.
Chuyển thời chăng? - Ảnh 1
Tất cả những sự kiện nói trên đã, đang và sẽ xảy ra trong bối cảnh mọi trắc trở lâu nay giữa hai nước chưa được khắc phục và hiện không thấy có khả năng sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tồn tại dai dẳng chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ về một quần đảo nhỏ hiện do Hàn Quốc quản lý trên thực tế. Trở ngại nữa mang tính nguyên tắc cơ bản không kém là Hàn Quốc cho rằng phía Nhật Bản vẫn chưa có nhận thức đúng đắn và ý thức được đầy đủ trách nhiệm chính trị, vật chất và đạo lý về những tội lỗi mà quân đội Nhật Bản đã gây ra ở bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ trước. Vướng mắc vẫn như lâu nay mà lại có những động thái hoà giải và giảm căng thẳng tạo cảm nhận dường như cặp quan hệ song phương này đang chuyển thời.

Xem ra ở cả hai phía, tác động của nhân tố "tình cảm" vẫn còn rất nặng nề nhưng nhân tố "lý trí" đang dần được thức tỉnh. Hai nước hiện có nhiều lợi ích chung và riêng khiến việc cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trở nên ngày càng thêm cần thiết. Bất hoà giữa họ với nhau rất bất lợi cho mối quan hệ đồng minh chiến lược của họ với Mỹ, bất lợi cho Nhật Bản trong đối phó với Trung Quốc, bất lợi cho Hàn Quốc trong xử lý quan hệ với Triều Tiên. Nếu không đi vào hoà giải với nhau thì họ chỉ giúp Trung Quốc đề cao vai trò về mọi phương diện ở khu vực.

Nét đặc biệt và đồng thời cũng là hạn chế của sự chuyển thời này là hai trở ngại chính nói trên chưa được giải quyết chứ không phải chuyển thời quan hệ để khắc phục chúng. Cho nên mới có quan niệm chung cho rằng dù chưa thật sự hữu nghị với nhau thì vẫn phải và vẫn có thể hợp tác được với nhau. Xem ra, hai bên đang có cùng cách tiếp cận về xử lý quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình hiện tại.