Cơ hội lớn với du lịch Đông Nam Á

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khách du lịch Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới - đang đổ xô đến Đông Nam Á, phần nào làm giảm sức ép đối với ngành du lịch và lữ hành của khu vực vốn đang gặp khó từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại chậm hơn dự kiến.

Du khách Ấn Độ tại bãi biển Patong ở đảo Phuket, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Du khách Ấn Độ tại bãi biển Patong ở đảo Phuket, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, ngành du lịch và lữ hành có ý nghĩa quan trọng đối với một số nền kinh tế Đông Nam Á, khi đóng góp khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực trước đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, khu vực này cũng đang sử dụng hơn 40 triệu lao động.

Trong khoảng 1 thập kỷ qua, ngành "công nghiệp không khói" được thúc đẩy bởi thị trường khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức mới nhất từ 4 quốc gia Đông Nam Á cho thấy tỉ lệ phục hồi yếu, khi số lượng du khách Trung Quốc trong tháng 5 thấp hơn ít nhất 60% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.

Tại Thái Lan, nơi du lịch là trụ cột kinh tế, số lượng khách du lịch Ấn Độ hiện vẫn ít hơn so với Trung Quốc về mặt con số, nhưng sự chênh lệch đã được rút ngắn còn khoảng 14% so với năm 2019. Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan Tanes Petsuwan cho biết, dự kiến 1,6 triệu người Ấn Độ ​​sẽ đến thăm Vương quốc này trong năm nay.

Theo cổng thông tin du lịch trực tuyến Cleartrip của Ấn Độ, lượng đặt vé máy bay từ Ấn Độ đến Bangkok đã tăng 270% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm 2019.

Tính riêng tháng 5 vừa qua, Singapore đã đón nhiều khách Ấn Độ đến thăm hơn người Trung Quốc. Cùng tháng đó, gần 63.000 người Ấn Độ cũng đã đến thăm Indonesia, xấp xỉ 64.000 lượt khách từ Trung Quốc.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết trong một báo cáo hồi tháng 5 rằng Ấn Độ có thể nổi lên như một "Trung Quốc thứ 2" về tốc độ tăng trưởng du lịch nước ngoài trong thập kỷ tới, mặc dù khả năng kết nối vẫn còn bị hạn chế do nước này có ít sân bay hơn.

Nhìn chung, tất cả các DN - từ các hãng hàng không như IndiGo, Thai Airways đến các chuỗi khách sạn lớn trong khu vực - đều đã tập trung khai thác tầng lớp trung lưu đang phát triển với sức chi tiêu ngày càng tăng của Ấn Độ. 

Theo ông Chai Eamsiri, giám đốc điều hành của Thai Airways, hãng này hiện có 14 chuyến bay mỗi tuần đến Trung Quốc - giảm so với khoảng 40 chuyến trước đại dịch - trong khi có tới 70 chuyến mỗi tuần đến Ấn Độ. Ông cho biết Thái Lan có thể tăng gấp đôi phi đội máy bay thân hẹp tới Ấn Độ trong thập kỷ tới.

Hãng hàng không giá rẻ Ấn Độ IndiGo, đã đặt hàng 500 máy bay phản lực thân hẹp Airbus để đáp ứng nhu cầu trong khu vực. Hãng cho biết đã nhận thấy "sự gia tăng mạnh mẽ" nhu cầu trên các tuyến giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, với hơn 100 chuyến bay mỗi tuần.

Vinay Malhotra, giám đốc bán hàng toàn cầu của IndiGo nhận định: "Chúng tôi sẽ triển khai các chuyến bay đến Jakarta vào tháng 8, cũng như bổ sung tần suất các chuyến bay đến Singapore".

Reuters dẫn lời nhà phân tích hàng không Brendan Sobie phát biểu tại một hội nghị công nghiệp vào tháng trước: "Đông Nam Á rõ ràng là có lợi thế về vị trí để thu hút sự tăng trưởng ổn định đến từ Ấn Độ".

Chia sẻ với Reuters về kỳ nghỉ 5 ngày cùng 4 người bạn tại khu nghỉ mát bãi biển Pattaya (Thái Lan) hồi tháng 6 vừa qua, sau khi mất khoảng 2 tiếng rưỡi bay từ TP Kolkata của Ấn Độ đến Bangkok, Pratyush Tripathy cho biết chi phí chuyến đi vào khoảng 40.000 - 60.000 rupee Ấn Độ (484 - 726 USD).

"Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và cả tiền bạc" - vị khách 33 tuổi nói, cho biết thêm rằng động lực thúc đẩy quyết định người Ấn Độ đến du lịch Đông Nam Á là bởi khu vực có cơ chế cấp thị thực dễ dàng hơn nhiều so với các nước châu Âu và Mỹ.