Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội thúc đẩy kết nối khu vực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (DN) APEC - sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng DN khu vực.

Hôm qua (10/11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời tham dự Hội nghị và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp về chủ đề "Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách".Diễn ra trong 2 ngày (9 - 10/11) với chủ đề "Tầm nhìn mới đối với châu Á - Thái Bình Dương: Sáng tạo, kết nối, liên kết và thịnh vượng", đại diện hơn 1.500 tập đoàn hàng đầu, trong đó có tới 130 công ty thuộc danh sách 500 công ty lớn nhất toàn cầu tham gia Hội nghị đã thảo luận về đổi mới, xây dựng nền kinh tế sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; bảo đảm tương lai của tài chính toàn cầu; tăng cường kết nối, nhất là về đầu tư và phát triển hạ tầng cơ sở, hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương…

 
Chuã tõch nûúác Trûúng Têën Sang vaâ Chuã tõch nûúác Cöång hoâa Nhên dên Trung Hoa Têåp Cêån Bònh  taåi Bùæc Kinh.	 AÃnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Việt Nam - điểm đến hấp dẫn

Phát biểu định hướng tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò tiên phong của các DN trong liên kết và kết nối khu vực và đề nghị các DN cùng nỗ lực tham gia thực hiện Khuôn khổ và Lộ trình kết nối APEC được thông qua tại các Hội nghị Cấp cao ở Bali và Bắc Kinh, đặc biệt trong việc huy động vốn đầu tư và thông qua các mô hình quan hệ đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, các DN cũng cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực kết nối cho các nền kinh tế thành viên đang phát triển, nhất là trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai. Trao đổi với các DN về những quan tâm của Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ, kết nối khu vực là một nội hàm then chốt của đổi mới sâu rộng và hội nhập quốc tế toàn diện mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai. Chủ tịch nước đề nghị các DN tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực.
Mặc dù là một hội nghị thuần túy bàn về hợp tác kinh tế, thương mại nhưng trong lúc diễn biến trên chính trường thế giới ngày càng trở nên phức tạp, những cuộc gặp bên lề thượng đỉnh APEC được cho là cơ hội để lãnh đạo các quốc gia thành viên thu hẹp bất đồng, củng cố và phát huy quan hệ hợp tác cùng có lợi. Vì thế, không khó để bắt gặp những cái bắt tay lịch sử của Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe…
Các DN đều bày tỏ đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế; bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực tham gia các liên kết kinh tế ở khu vực, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các DN và khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam để cùng đón những cơ hội, tiềm năng hợp tác mới. Các DN cũng đề xuất một số khuyến nghị với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN kinh doanh ở Việt Nam.

Trước đó, chiều 9/11, tại buổi tiếp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các DN hàng đầu của Mỹ đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh DN APEC đánh giá cao nỗ lực và những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện. Đồng thời bày tỏ niềm tin vào tiềm năng kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam; khuyến nghị một số biện pháp nhằm tận dụng các thời cơ mà liên kết khu vực, đặc biệt là sự gắn kết APEC và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cho quan hệ Đối tác toàn diện song phương cũng như cộng đồng DN hai nước.

Cơ hội tăng cường hợp tác

Nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC 22, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thực hiện nhiều cuộc gặp với lãnh đạo một số nước và đại diện các tổ chức quốc tế, DN nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các đối tác.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh ngày 10/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn quý trọng và mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước ngày càng phát triển. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, hai bên cần đặt ưu tiên cao cho việc củng cố và không ngừng thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong đó cần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm chỉnh những thỏa thuận của lãnh đạo hai Đảng, hai nước để xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp. Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tăng cường các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, giữa các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là thúc đẩy giao lưu giữa Nhân dân hai nước, nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi, cân bằng và bền vững.

Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề Biển Đông là một thực tế. Điều quan trọng nhất là hai bên cần thông qua đàm phán, trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Trong quá trình đó, hai bên cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, kiểm soát tốt bất đồng, không để nảy sinh vấn đề mới ảnh hưởng quan hệ hai nước. Trên tinh thần dễ trước khó sau, hai bên cần tích cực triển khai đầy đủ những lĩnh vực hợp tác đã nhất trí, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất để phát đi tín hiệu tốt đẹp với Nhân dân hai nước và dư luận quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, phát triển tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam là phương châm nhất quán, không thay đổi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc; cho rằng việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của Nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phản hồi tích cực đối với các đề xuất của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới, đồng thời đề nghị hai bên cần kiên trì tăng cường trao đổi chiến lược, ổn định phương hướng đúng đắn của quan hệ hai nước; đi sâu hợp tác thiết thực, thực hiện cùng có lợi, cùng thắng; mở rộng giao lưu nhân văn, củng cố nền tảng xã hội của tình hữu nghị Trung - Việt và giải quyết ổn thỏa bất đồng, tạo môi trường trên biển theo hướng ổn định và hợp tác.

Chiều cùng ngày, trong cuộc tiếp xúc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên đã trao đổi về phương hướng triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có việc phối hợp tổ chức trao đổi đoàn cấp cao và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Về TPP, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đàm phán TPP đã bước vào giai đoạn then chốt; các nước cần thể hiện quyết tâm chính trị cao và có những linh hoạt cần thiết để có thể kết thúc đàm phán theo đúng lộ trình và bảo đảm TPP là một hiệp định toàn diện, cân bằng, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên; bày tỏ Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Mỹ và các nước thành viên TPP khác để đạt được mục tiêu này.

 Tại cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã trao đổi về phương hướng và các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc quan hệ; nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp trên biển. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III... nhằm bàn thảo các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.       

 
Quyết tâm sớm kết thúc đàm phán Hiệp định TPP

Bên lề hội nghị APEC 22, lãnh đạo của 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm 10/11 đã tiến hành Cuộc họp Cấp cao lần thứ 5. Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam quyết tâm và sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên để sớm đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng và vì sự phát triển, phản ánh thỏa đáng những quan tâm, lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tiếp tục nỗ lực chung với quyết tâm, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và cùng có lợi.