Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ quan chức năng vào cuộc vụ clip xem bói “đúng nhận, sai cãi”

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Những ngày qua, trên MXH lan truyền một đoạn clip, trong đó nhân vật chính vừa bổ cau, vừa bói toán về một vấn đề và chốt lại bằng câu "đúng nhận, sai cãi". Sự việc này khiến không ít người lo lắng, xem là mê tín dị đoan. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ.

Hot trend trên mạng xã hội

Những ngày qua, trào lưu "đúng nhận, sai cãi" bất ngờ thịnh hành và được lan truyền rộng khắp các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Hoàng loạt TikToker, người sử dụng MXH thi nhau “cover” câu nói “đúng nhận, sai cãi”.

Cô đồng bổ cau, xem bói "đúng nhận, sai cãi".
Cô đồng bổ cau, xem bói "đúng nhận, sai cãi".

Câu nói hot trend này bắt nguồn từ tài khoản TikTok của một phụ nữ được cho là cô đồng có tên @truonghuong999. Phong cách đặc trưng trong các video của nhân vật này trên TikTok là vừa bổ cau vừa xem bói.

Qua các clip Tiktok này, có thể thấy người phụ nữ xuất hiện trong clip có thể đọc tên của những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ. Đặc điểm của những đoạn video được cô đồng T.H đăng tải là mỗi lần bổ cau, cô có thể nói vanh vách 1 việc nào đó.

Hiện tài khoản này có hơn 169.800 người theo dõi cùng hơn 936.000 lượt yêu thích trên TikTok, hai thông số này liên tục tăng vọt theo từng giờ. Các video đăng tải cũng nhận được lượt xem lớn, có video hơn 10,2 triệu lượt xem.

Đã rất nhiều clip giải trí bắt kịp trend bổ cau ra đời, cũng như câu nói “đúng nhận, sai cãi” được nhiều người sử dụng. Các bạn trẻ “cover” còn sáng tạo thêm cách làm như việc bổ quả dưa hấu, bổ rau củ, bổ nho, thậm chí bổ cả dừa, mít. Những clip này mang theo phong cách “tấu hài” khiến cho cư dân mạng tò mò và thích thú.

Trong đó, có thể kể đến như video của hot TikToker Long Chun nhận được hơn 6 triệu lượt xem, video của Tun Phạm thu về 3,5 triệu lượt xem, sản phẩm hài hước của Đắc Tú Anh có hơn 3 triệu lượt xem... chỉ sau một ngày đăng tải trên TikTok.

Tuy nhiên, sau khi xem các đoạn clip, nhiều ý kiến cho rằng, nhân vật chính trong đoạn clip thường nói những điều không có căn cứ. Những lời lẽ trong video của cô đồng T.H thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Những video nhảm nhí này cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý, gỡ bỏ trên mạng xã hội, tránh ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trước sự việc trên, trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương cho biết, hiện nay các khái niệm mê tín dị đoan trong văn bản quy phạm chưa có. Tuy nhiên, từ góc độ nhà nghiên cứu thì đây là mê tín dị đoan vì là hiện tượng bói toán. Các cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ các thông tin cổ súy mê tín dị đoan kịp thời.

Về phía Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử Bộ TT&TT Lê Quang Tự Do chia sẻ: Với trách nhiệm quản lý, Bộ TT&TT sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng T.H. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.

Theo Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Việc cô đồng T.H nhận đặt lịch để xem bói cho nhiều người thông qua hình thức bổ cau cũng là một hình thức của hoạt động mê tín dị đoan. Pháp luật hiện hành đã ngăn cấm các hoạt động này và có chế tài xử phạt. Theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt với mức phạt là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng”.

Đối với người thực hiện hành vi mê tín, dị đoan mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội hành nghề mê tín dị đoan, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại Điều 320 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngày 8/2, đại diện lãnh đạo Công an Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, đơn vị đang xác minh làm rõ thông tin cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” xem bói toán, có biểu hiện hiện tượng mê tín dị đoan trên mạng xã hội.