Biến tướng cho vay nặng lãi
Mới đây, ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Bỉnh Tuân (sinh năm 1994) và Nguyễn Bá Điệp (sinh năm 1998), cùng trú ở Hà Nội về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", với lãi suất cho vay từ 240% đến 810%/năm. Theo hồ sơ, giữa tháng 5/2020, Tuân từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao; lập ra trang Facebook với tên "Homebank Ngân hàng tại nhà" và sử dụng số điện thoại 0343698xxx để giao dịch.
Đến khoảng tháng 9/2020, vì muốn tạo thân thế, bành trướng hoạt động cho vay của mình, Tuân đã chiêu nạp thêm Nguyễn Bá Điệp cùng một số đối tượng là dân "xã hội" từ các tỉnh phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh. Không chỉ hoạt động bất chính tại quận Tân Phú, nhóm "Homebank Ngân hàng tại nhà" còn cho vay ở nhiều địa bàn quận, huyện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cho người dân vay nợ với lãi cao rồi chia nhau số tiền lãi.
Tại Hà Nội, Công an quận Hà Đông đã phát hiện, triệt xóa ổ nhóm có hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi dưới hình thức bốc bát họ. Đối tượng cầm đầu đường dây được xác định là Trần Tuấn Anh (sinh năm 1990, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).
Tại cơ quan điều tra, Tuấn Anh khai nhận từ năm 2019, dưới danh nghĩa cửa kinh doanh cầm đồ tại phố Trần Văn Chuông (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông), đối tượng đã thuê Trần Thông Mừng (sinh năm 1996, trú tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) làm nhân viên thẩm định khách và thu nợ. Các đối tượng cho người dân vay mỗi “bát họ” từ 10 - 30 triệu đồng, và “cắt lãi” 2 - 6 triệu đồng/bát họ (tương ứng với lãi suất 146%/năm). Ngoài ra, người vay trong vòng 50 ngày phải trả đủ gốc lẫn lãi. Từ năm 2019 đến nay, nhóm đối tượng này đã cho khoảng 200 người vay tiền, với tổng số tiền quay vòng khoảng 8 tỷ đồng.Trong khi đó, Công an quận 12 (TP Hồ Chí Minh) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về hành vi "cưỡng đoạt tài sản" và tiếp tục điều tra xử lý hành vi "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" do 2 đối tượng Nguyễn Đình Tuấn (sinh năm 1982) và Mai Công Nam (sinh năm 1997) cầm đầu. Điều đáng nói là căn nhà mà các đối tượng này "khủng bố" bằng chất bẩn không liên quan gì đến món nợ mà các đối tượng cho mượn. Đó là câu chuyện của nhà ông Hà Ngọc Lễ (trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh).
Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, nhà ông Lễ liên tục bị tạt sơn đỏ, mắm tôm, dầu nhớt, kính cửa sổ nhiều lần bị ném vỡ tung tóe khiến cả gia đình luôn sống trong âu lo bất ổn. Cùng đó, gia đình ông Lễ còn bị các nhóm người quấy rầy, đe dọa bằng cách gọi điện, nhắn tin và kéo người đến chửi mắng.Theo ông Hà Ngọc Lễ, nguyên nhân là do người em rể Phạm Ngọc Phương (sinh năm 1975) ở cùng nhà có vay mượn tiền nhiều người, trong đó có vay của Tuấn và Nam số tiền hơn 1,4 tỷ đồng nhưng mất khả năng chi trả. Giữa tháng 6/2020, ông Lễ yêu cầu Phương dời đi chỗ khác sinh sống, nhưng các đối tượng đã kéo người đến gây áp lực bắt ông Lễ trả nợ thay. Dù ông Lễ chấp nhận đưa cho Tuấn 100 triệu đồng hồi tháng 9/2020, nhưng nhóm người kia vẫn tiếp tục uy hiếp, “khủng bố” gia đình ông.Tương tự vụ việc như gia đình ông Hà Ngọc Lễ, vì món nợ em trai gây ra khiến gia đình bà N.T.M (trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh) đã 6 lần bị "khủng bố" bằng chất bẩn. Ngoài việc nhà cửa dơ bẩn, mất mỹ quan, nhiều tài sản trong quầy thuốc của gia đình cũng bị hư hại, bản thân bà M bị thương khi các đối tượng ném chất bẩn vào nhà...Triệt phá những đối tượng cho vay lãi nặng Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông nhận định, các tổ chức tín dụng đen thường cho vay dưới hình thức hụi, họ, đa cấp tài chính, tuy nhiên họ không tuân thủ quy định của pháp luật về lãi suất cho vay, cũng như Nghị định số 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường. Các tổ chức này huy động vốn với lãi suất cao bất thường qua hình thức họ, hụi, biêu, phường để nhiều người dân vì hám lợi mà cho vay, hoặc gón vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Các tổ chức này thường mở rộng địa bàn hoạt động thông qua việc phát, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, ký túc xá sinh viên, quảng cáo qua mạng xã hội zalo, facebook để tiếp cận với nhiều công nhân, sinh viên cần vay tiền để chi tiêu, sinh hoạt.Thủ đoạn cho vay cũng rất đa dạng như cho vay trực tiếp, vay gián tiếp (qua các app online). Cho vay rồi trừ tiền lãi luôn trước khi đưa tiền cho người vay, vay không cần chứng minh năng lực tài chính với lãi suất cắt cổ. Sau khi những người vay không thể trả tiền gốc và mức lãi suất cắt cổ, các tổ chức này liên tục đòi nợ bằng những biện pháp của xã hội đen như đe dọa, vu khống, làm nhục những người vay và những người thân của họ, thậm chí bôi nhọ, vu khống cả những bên không liên quan đến khoản vay như công ty nơi người vay làm việc.Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, các hoạt động tín dụng theo kiểu bốc bát họ, hụi, đa cấp biến tướng rất đa dạng nhưng đều có một công thức chung là lãi suất “cắt cổ” với rất nhiều khoản phí, tiền phạt. Khi vay tiền thì rất dễ dàng, thủ tục nhanh gọn, tuy nhiên lúc tính lãi thì khiến nhiều người hoang mang và thủ đoạn đòi nợ rất tàn nhẫn, không từ thủ đoạn gì để uy hiếp tinh thần của người vay tiền và những người thân của họ.
Thủ đoạn đòi tiền của các đối tượng cho vay lãi nặng rất tàn nhẫn. Chúng đe dọa uy hiếp, quấy rối, làm phiền không chỉ đối với người vay tiền mà cả gia đình, người thân của người vay tiền, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều người bị quấy rồi, nhắn tin, gọi điện, bị đe dọa, uy hiếp, “khủng bố” tinh thần đến mức phải tự tử.Sở dĩ hoạt động cho vay nặng lãi có đất sống bởi vì nhu cầu vay tiêu dùng trong xã hội rất lớn mà người đi vay không phải ai cũng có tài sản để thế chấp và không phải ai cũng có phương án trả nợ khả thi, hiệu quả. Để giải quyết được vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, cần phải đa dạng hóa các khoản vay, việc cấp tín dụng cho hoạt động tính chất được thực hiện nhiều hơn ở ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Cùng đó, cần thiết phải nhận diện, phát hiện, triệt phá những đối tượng cho vay lãi nặng.
"Vấn nạn tín dụng đen trong thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp về số lượng, quy mô, thủ đoạn nhất là trong giai đoạn Covid -19. Các cá nhân, tổ chức tín dụng đen hoạt động dưới nhiều vỏ bọc khác nhau nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng." - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông - luật sư Nguyễn Hữu Toại |