"Cơn gió ngược" tạo cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam

Mạc Quốc Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bối cảnh “đa khủng hoảng đan xen đa chuyển đổi” đã tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhưng cũng cho thấy năng lực thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. 

Rõ ràng, trong bối cảnh thế giới trong “nguy” có “cơ”, nhưng “nguy” nhiều hơn “cơ” hiện nay với những “cơn gió ngược” cho nền kinh tế Việt Nam.

Đối diện “cơn gió ngược”

Các chuyên gia cho rằng, khái niệm “cơn gió ngược” nhằm phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian gầy đây. Dù là tự nhiên có tác động vật lý, hay từ những vấn đề rủi ro liên quan đến các yếu tố địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế, cũng đều cần sự dự báo, lường trước và chuẩn bị các phương án thích ứng phù hợp.

Năm 2023 được dự liệu có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trước những diễn biến khó lường và bất định của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Những khó khăn đã hiện hữu và tác động trực diện vào một số ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam từ quý IV/2022.

Công nhân trong phẩn xưởng Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân trong phẩn xưởng Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển, nguồn lực có hạn nhưng sự sáng tạo là vô hạn. Đơn cử, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi tháng 12/2022 và các diễn đàn kinh tế gần đây của Chính phủ đã làm rõ các kết quả đạt được, khi hoàn thành 14/15 các chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chuyên gia cũng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội nhưng cũng có những khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. “Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác” - ông Nguyễn Đức Hiển thông tin.

Ứng phó với kịch bản

Thực tế cho thấy, hiện trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm 6 nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 6 nước này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn, vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Với thiết bị bếp và giặt là công nghiệp Việt Nam của Tập đoàn Hà Yến giúp tối đa chi phí vận hành an toàn dễ sử dụng, thân thiện với môi trường. Ảnh: Khắc Kiên
Với thiết bị bếp và giặt là công nghiệp Việt Nam của Tập đoàn Hà Yến giúp tối đa chi phí vận hành an toàn dễ sử dụng, thân thiện với môi trường. Ảnh: Khắc Kiên

Tiếp đến, trong 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.

Về vấn đề đầu tư, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023, các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.

Rõ ràng các con số này phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung cũng như các nền kinh tế sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam. 

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là cần có cách tiếp cận tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp trọng tâm cả trước mắt và lâu dài, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó vượt qua thách thức. 

Do đó, định hướng dài hạn là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đây cũng là yêu cầu đặt ra để tăng tính tự chủ của nền kinh tế. Nhất là khi 4/5 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn phụ thuộc chính vào các doanh nghiệp FDI, 12/24 các ngành công nghiệp chính có số doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn nên giá trị gia tăng mang lại cho Việt Nam chưa cao.

Trong khi đó, FDI chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng tổng giá trị của ngành công nghiệp chiếm trên 50%. "Như vậy, yêu cầu đặt ra là cần có tiếp cách tiếp cận đầy đủ hơn, tối ưu hóa nguồn lực không chỉ là dựa vào nhân lực, tài chính mà còn là nguồn lực về đất đai, các điều kiện về thể chế, chính sách để thực sự tạo ra sự tăng trường mới trong năm 2023" - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói. 

 

 

Với cảnh báo có những “cơn gió ngược” mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, Chính phủ đã dự liệu và chuẩn bị những kịch bản khác nhau để ứng phó. Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu tăng trưởng và thể hiện rõ thông điệp cũng như định hướng các chỉ đạo điều hành nền kinh tế trong năm 2023. Đồng thời, năm 2023 cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là năm bản lề mà còn giúp tạo dựng nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn, nhất là trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

Đọc tiếp