Đổ xô đi mua vàng
Từ đầu tuần, giá vàng giao ngay giao dịch ở mức hơn 2.300 USD/ounce, tăng khoảng 12% so với đầu năm. Giá vàng hiện tại cũng chỉ thấp hơn khoảng 6% so với mức cao kỷ lục lên tới 2.449 USD/ounce thiết lập hôm 20/5.
Theo Reuters, các nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào vàng, bên cạnh các lựa chọn rủi ro hơn là bất động sản và cổ phiếu. Ông Ruth Crowell - Giám đốc điều hành của Hiệp hội thị trường vàng thỏi London nhận định: “Khi bối cảnh kinh tế vĩ mô trở lại bình thường, bất động sản và chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, sự nhạy cảm về giá vàng sẽ quay trở lại”.
Trong khi đó, ông Bruce Ikemizu - Giám đốc Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Nhật Bản cho biết, lượng người mua vàng đang tăng cao những tháng qua, dù có thời điểm giá mặt hàng kim loại quý vọt lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy.
Người tiêu dùng châu Á đã đổ xô mua vàng trong năm ngoái và những tháng đầu năm nay, dẫn đầu là Trung Quốc. Ở cấp độ quốc gia, Trung Quốc đã bổ sung 225 tấn vào kho dự trữ ngoại hối trong năm 2023. Tháng 4/2024 cũng đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp nước này bổ sung vàng vào kho dự trữ của nước này.
Tại một số quốc gia châu Á khác, các nhà đầu tư bán lẻ cũng đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn. Điều đáng nói, vàng nói chung ngày càng thu hút người tiêu dùng trẻ. Tại các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc, khách hàng có thể mua những thanh vàng nhỏ, mỗi thanh nặng 1,87g với giá 170 USD.
Theo ông Nuttapong Hirunyasiri - Giám đốc điều hành của MTS Gold Group, tại Thái Lan, người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng vàng ngay sau thông tin giá vàng tăng cao.
Lý giải về cơn sốt vàng, một số chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với việc đồng nhân dân tệ mất giá, suy thoái bất động sản kéo dài và căng thẳng thương mại. Điều đó khiến họ tìm đến vàng như là nơi trú ẩn an toàn. Báo cáo cho thấy lượng mua vàng của Trung Quốc tăng đến 27% trong 3 tháng đầu năm nay.
Phát biểu bên lề Hội nghị kim loại quý châu Á - Thái Bình Dương, Albert Cheng - Giám đốc điều hành của Hiệp hội thị trường Vàng thỏi Singapore nói rằng người tiêu dùng tại châu Á đang có tâm lý phải mua vàng "bằng mọi giá". "Xu hướng thị trường hiện tại là người tiêu dùng thích là mua vàng, họ không quan tâm đến vấn đề giá cả” - ông Cheng cho hay.
Những lý do đằng sau cơn sốt vàng
Đầu tiên là địa chính trị toàn cầu. Khi bất ổn địa chính trị gia tăng, các nhà đầu tư có xu hướng tìm tới vàng, vốn từ lâu được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Đà tăng kỷ lục của giá vàng gần đây được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể đẩy giá vàng lên cao hơn. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng, một cuộc chiến thương mại mới với Bắc Kinh có thể bắt đầu với kế hoạch áp thuế từ 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong giai đoạn năm 2018 - 2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu và leo thang, giá vàng cũng tăng đáng kể.
Lý do thứ hai là việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu. Các ngân hàng trung ương (T.Ư) trên toàn thế giới, bao gồm ở Brazil, Canada, Ngân hàng T.Ư châu Âu, Thụy Điển và Thụy Sĩ, đã bắt đầu hạ lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ giảm lãi suất trong những tháng tới. Chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá vàng. Từ năm 2001, giá vàng đã tăng mạnh khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed kết thúc. Vì vậy, giá vàng có thể vẫn còn dư địa tăng cao hơn khi Fed bắt đầu đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ.
Thứ ba là việc mua vàng ồ ạt của các ngân hàng T.Ư trên thế giới. Các ngân hàng T.Ư tiếp tục mua vàng với tốc độ kỷ lục, khoảng 1.082 tấn vàng trong năm 2022 và 1.037 tấn trong năm 2023.
Vàng vẫn hấp dẫn đối với các ngân hàng T.Ư do tính hiệu quả của kim loại quý này trong giai đoạn khủng hoảng. Trên thực tế, vàng cũng là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả và là tài sản có tính thanh khoản cao.
Mặc dù triển vọng về vàng được kỳ vọng là tích cực, nhưng điều đó không có nghĩa là vàng miễn nhiễm với những biến động thường thấy ở một tài sản thông thường.
Theo chiến lược gia cao cấp Christopher Wong tại OCBC, nhà đầu tư nên thận trọng khi xem xét những ưu và nhược điểm của vàng như một khoản đầu tư, vì kim loại màu vàng đang tăng giá quá nhanh và không tạo ra lợi nhuận. Đồng thời, vàng có thể phải đối mặt với áp lực giảm giá trong trường hợp Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất hoặc bất ngờ thắt chặt, và căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt.
Singapore sẽ trở thành trung tâm vàng hàng đầu thế giới?
Trước nhu cầu tiêu thụ vàng cao từ các ngân hàng T.Ư tại các thị trường lớn mới nổi, Singapore có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm vàng hàng đầu thế giới, theo nhận định của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC)
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư Toàn cầu thuộc WGC, cho rằng Singapore trỗi dậy nhờ mức tiêu thụ vàng ở các nền kinh tế mới nổi tăng mạnh, phần lớn thị trường này tập trung ở khu vực châu Á.
Tại Hội nghị Kim loại quý châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Singapore, ông Shaokai Fan nói: "Trọng tâm của thị trường vàng chuyển về phía Đông. Singapore tình cờ được đặt làm điểm tựa tiềm năng cho sự cân bằng này".
Theo chuyên gia Shaokai Fan, vị trí địa lý của Singapore cũng gần với các ngân hàng T.Ư của các thị trường mới nổi vốn đang tích cực mua dự trữ vàng, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới trong năm ngoái. Ngân hàng T.Ư Trung Quốc là khách mua vàng miếng lớn nhất khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường dự trữ vàng. Nhật Bản cũng cho thấy nhu cầu vàng tiếp tục phục hồi. Nhu cầu về trang sức bằng vàng trong quý I/2024 cao nhất kể từ năm 2019, theo báo cáo mới nhất của WGC. Tương tự như vậy, Hàn Quốc cũng đã ghi nhận tốc độ mua vàng hàng quý tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm.
Ngoài ra, Singapore cũng nằm gần khoảng 25% trung tâm khai thác vàng của thế giới như Trung Quốc, Australia, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea và Lào.
Chuyên gia Shaokai Fan cho biết, nhu cầu tìm kiếm một trung tâm dự trữ vàng chính thức đã trở thành mối quan tâm ngày càng tăng đối với các ngân hàng T.Ư trên toàn thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh biến động địa chính trị. Ông nhận định rằng Singapore có tiềm năng lớn thay thế London và New York để trở thành trung tâm vàng hàng đầu thế giới.