Công khai bản kê khai tài sản của cán bộ: Thêm cơ chế phòng ngừa tham nhũng

Trần Hà - Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.

Đó là một trong những nội dung vừa được Ban Bí thư T.Ư Đảng đưa ra tại Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc T.Ư tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 
Kê khai rồi phải công khai

Quy định này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và có ý kiến cho rằng, sẽ góp phần tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu.

Theo Hướng dẫn, nhiều nội dung sẽ phải công khai để Nhân dân biết và giám sát như các "bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên", "bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo". Các cấp ủy, tổ chức Đảng cũng phải công khai các kết luận kiểm toán, thanh tra; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả xử lý tiêu cực; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật)... Ban Bí thư cũng yêu cầu công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; 19 điều quy định đảng viên không được làm…

Khu biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Ảnh:  Trần Nam

Nhiều ý kiến đồng tình với nhận định của Ban Bí thư khi ban hành Hướng dẫn này, sẽ giúp thống nhất về nhận thức và tăng cường việc thực hiện những nội dung, hình thức công khai để Nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Từ đó, phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ… Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng, đây là vấn đề rất cần thiết, bởi chỉ có công khai, minh bạch thì người dân mới có cơ sở để giám sát. Do đó, người cán bộ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật hình sự hay vi phạm những nội dung gì trong những điều không được làm đều phải công khai cho người dân biết.

Đặc biệt, việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng được nhận định là một trong những giải pháp cơ bản, mấu chốt để phòng chống tham nhũng hiệu quả. Hiện, hàng năm, cán bộ quản lý các cấp đều phải kê khai tài sản, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng hình thức; việc phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản không đúng là rất ít. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Nhưng qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao, ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái.

Với quan điểm, nếu kê khai mà không công khai thì sẽ khó hiệu quả, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản hiệu quả hơn, người có trách nhiệm kê khai phải trung thực, kê khai đúng quy định. Cơ quan có trách nhiệm xác minh phải làm rõ việc kê khai đã thực hiện đúng quy định hay chưa, còn che giấu tài sản hay không. Công khai, minh bạch thông tin kê khai tài sản theo quy định. Cuối cùng là xử lý nghiêm cá nhân vi phạm quy định về kê khai, xác minh, thực hiện công khai, minh bạch tài sản.

Cơ chế để dân giám sát

Khi bàn về Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm cũng là công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ công khai ở chi bộ hoặc nơi làm việc thì Nhân dân khó mà tiếp cận được bản kê khai của các quan chức, lãnh đạo. Việc Ban Bí thư đưa ra các hình thức công khai, ngoài niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của MTTQ…, một điểm được nhiều người quan tâm và coi như bước đột phá là công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, cán bộ, đảng viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước do dân đóng góp từ tiền thuế của dân thì phải công khai tài sản để dân giám sát và thể hiện sự minh bạch. Việc công bố tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông và thông tin trên mạng là để giám sát tiền thuế của dân. Đã là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thì nghĩa vụ của họ là phải công khai, còn nếu không kê khai thì buộc họ phải từ bỏ công chức. Ngoài ra, cần phải kê khai, kiểm tra tài sản của cả người thân của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền như bố mẹ, con cái của họ, để tránh việc tẩu tán tài sản cho người khác.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, việc kiểm soát tài sản của quan chức thời gian qua chưa hiệu quả. Không đòi hỏi tất cả công chức, tuy nhiên những người chủ chốt, đứng đầu các cấp phải công khai tài sản kê khai cho cơ quan và khu dân cư. Nhưng cũng cần một cơ chế để Nhân dân giám sát, rõ ràng công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu.

Nhiều ý kiến khi thể hiện sự kỳ vọng vào quy định mới của Ban Bí thư cũng cho rằng, kê khai tài sản đấy và nộp đấy, nhưng hiệu quả đạt được còn thấp, nặng tính hình thức. Nếu tất cả các bản kê khai được công khai, làm sáng tỏ để cả xã hội giám sát sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình, sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, năm 2017, qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, thanh tra các cấp đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm về tham nhũng như: Còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật Nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và DN.
Nhằm tạo điều kiện để người dân, các tổ chức xã hội, báo chí thực hiện quyền giám sát mạnh mẽ hơn nữa đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, đồng thời với đó, việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng cần thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch. Xây dựng cơ chế hữu hiệu phòng ngừa và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật nói chung, tham nhũng nói riêng. Luật cần nghiên cứu quy định đầy đủ đối tượng, hành vi tham nhũng trên các mặt của đời sống, quy định chặt chẽ hơn về kê khai, xác minh và nghĩa vụ giải trình tài sản, công khai tài sản tham nhũng và kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Cùng với việc công khai, cần có một hệ thống dữ liệu việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai tài sản, để khi người dân muốn tìm hiểu cán bộ có chức, có quyền kê khai tài sản có đúng không thì họ có thể truy cập. Từ đó, báo chí, người dân có thể giám sát được tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Và cán bộ sẽ không dám tham nhũng từ tiền thuế của dân nữa.
Ông Nguyễn Ninh,  phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng