Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác bồi thường của Nhà nước: Nhiều quy định mới

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 có nhiều quy định mới đáng chú ý.

Theo đó, Luật TNBTCNN 2017 được ban hành đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định trước đây, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Luật được kỳ vọng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế. 
 Tư vấn pháp luật cho người dân tại tỉnh Bình Dương.
Theo báo cáo Bộ Tư pháp, năm 2017, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết 109 vụ việc, trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới, đã giải quyết xong 40/109 vụ việc. Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường Nhà nước có hiệu lực pháp luật hơn 32 tỷ đồng.

Luật TNBTCNN 2017 có nhiều điểm mới căn bản, có tác động tới việc tổ chức thi hành Luật của các cơ quan Nhà nước trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở các cấp. Luật quy định nhiều cơ chế để yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường, trong đó, bên cạnh cơ chế yêu cầu và giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án yêu cầu bồi thường sau khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính tại Tòa án. Luật cũng bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường và tăng mức thiệt hại về tinh thần trong hoạt động tố tụng hình sự.

Đặc biệt, về thủ tục giải quyết bồi thường, Luật sửa đổi căn bản, toàn diện các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo hướng rút ngắn thời hạn giải quyết bồi thường, quy định rõ hơn hồ sơ yêu cầu bồi thường, bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường và bổ sung một số quy định về hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết bồi thường… Việc tham gia xác minh thiệt hại, thương lượng của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tài chính ở T.Ư và cấp tỉnh cũng như trách nhiệm của Viện Kiểm sát tham gia thương lượng đối với các vụ việc trong hoạt động tố tụng hình sự.

Để tổ chức thi hành Luật đạt hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm thực hiện, chỉ đạo thực hiện đổi mới và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Theo đó, không coi bồi thường Nhà nước là công tác sự vụ, chỉ thực hiện khi có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường mà phải coi việc nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tổ chức thực hiện pháp luật về TNBTCNN nhằm mục tiêu cao hơn là răn đe, phòng ngừa sai phạm, tránh để xảy ra thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cùng đó, chủ động rà soát đội ngũ công chức làm công tác bồi thường Nhà nước để phân công, sắp xếp nhân lực đủ năng lực, trình độ. Việc phân công phải bảo đảm tính ổn định để thực hiện hiệu quả công tác bồi thường Nhà nước và tham gia giải quyết bồi thường; bảo đảm đủ kinh phí cho chi trả tiền bồi thường và quản lý về công tác bồi thường Nhà nước.