Mục đích của Công ước là hình thành khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động phòng, chống tham nhũng thông qua các biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Điều 1 của Công ước khẳng định: “Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả hơn… Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản”.
Công ước đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải nội luật hóa các quy định hình sự từ Điều 15 đến Điều 25 của Công ước, bao gồm: Hối lộ công chức quốc gia; hối lộ công chức nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế công; tham ô; biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt khác bởi công chức; lạm dụng ảnh hưởng để trục lợi; lạm dụng chức năng; hối lộ trong khu vực tư; biển thủ tài sản trong khu vực tư; che giấu tài sản; cản trở hoạt động tư pháp. Đối với việc nội luật hóa quy định hình sự hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20); hành vi rửa tiền và tài sản do phạm tội mà có (Điều 23), thì các quốc gia thực hiện dựa trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia.
Trên nguyên tắc, mọi tài sản do hành vi tham nhũng mà có đều phải bị thu hồi quy định từ Điều 51 đến Điều 55 của Công ước. Theo đó, các quốc gia thành viên, trong phạm vi rộng nhất được pháp luật quốc gia cho phép, ban hành các quy định cần thiết cho phép tịch thu tất cả tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội theo quy định của Công ước, kể cả tài sản đã bị biến đổi, lẫn lộn với tài sản khác và các lợi ích, thu nhập phát sinh từ tham nhũng.
Có thể thấy, về cơ bản các hành vi liên quan đến tội phạm về chức vụ và tham nhũng đã được luật hóa trong Luật hình sự nước ta, đặc biệt là Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó, được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới cả ở phần chung và phần các tội phạm, đặc biệt là quy định các tội phạm về chức vụ và tham nhũng tại Chương XXIII, bao gồm 2 mục, cụ thể:
Mục 1, các tội phạm về tham nhũng, gồm 07 điều luật quy định về các tội phạm: Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358) và Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).
Mục 2, ngoài các tội phạm khác về chức vụ, Mục này còn quy định các tội phạm được thực hiện bằng hành vi mang tính vụ lợi, như: Đưa hối lộ (Điều 364); Môi giới hối lộ (Điều 363) và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366).
Điểm đáng lưu ý của BLHS năm 2015 khi quy định về các tội phạm tham nhũng, chức vụ là đã mở rộng phạm vi chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự ở khu vực ngoài nhà nước. Ví dụ, khoản 6 Điều 353 BLHS năm 2015 quy định về tội tham ô tài sản: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lý theo quy định của Điều này”; khoản 6 Điều 354 quy định về tội nhận hối lộ: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà nhận hối lộ thì bị xử lý theo quy định của Điều này”.
Từ những quy định này cho thấy, BLHS năm 2015 đã chứa đựng yếu tố nội luật hóa khá rõ trong khuôn khổ quy định của Công ước về chống tham nhũng trong khu vực tư, cụ thể Điều 12 Công ước quy định: “Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư,… khi thích hợp, ban hành những chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự hiệu quả tương xứng và có tính răn đe đối với những hành vi không tuân thủ các biện pháp này”.
Liên quan đến các tội phạm chức vụ và tham nhũng, vấn đề đặt ra là BLHS năm 2015 vẫn còn khoảng trống đáng kể, đó là chưa thấy có nội dung quy định và chế tài đối với hành vi của người có chức vụ, quyền hạn có số lượng tài sản lớn vượt quá mức thu nhập hợp pháp, nhưng không giải thích rõ được nguồn gốc hợp pháp của tài sản, hành vi che giấu tài sản, hoặc tài khoản ở nước ngoài.
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu tranh chống tham nhũng, thì ngoài các tội phạm về chức vụ, tham nhũng đã được quy định trong BLHS năm 2015, kèm theo đó là những chế tài về việc tịch thu, thu hồi tài sản do phạm tội mà có, thiết nghĩ BLHS tiếp tục cần phải được nghiên cứu, nội luật hóa bổ sung hành vi, mà ở đó xét đến cùng thì hệ quả của hành vi đó là sự tích tụ số lượng tài sản lớn vượt quá mức thu nhập hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn, nhưng không thể giải thích được nguồn gốc vì sao có số lượng tài sản đó.
Trường hợp này, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng gọi là “làm giàu bất hợp pháp”. Điều 20 Công ước quy định: “Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy”.