Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cốt lõi là hài hòa lợi ích

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc khẩn trương rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định kinh doanh mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng, dầu trước đó là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường xăng, dầu trong nước còn tồn tại nhiều bất cập, kéo theo những hệ lụy trong suốt thời gian dài.

Tính đến thời điểm này, kinh doanh xăng, dầu được quản lý bằng 3 nghị định, bao gồm: Nghị định 83 (ban hành năm 2014), Nghị định 95 (ban hành năm 2021) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và Nghị định 80 (ban hành năm 2022) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và 95. Gần 2 tháng sau khi ban hành Nghị định 80/NĐ-CP về quản lý xăng, dầu, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị các Sở Công Thương địa phương góp ý để xây dựng nghị định mới.

Trong văn bản gửi lấy ý kiến các Sở Công Thương mới đây, Bộ Công Thương đã đề nghị các Sở Công Thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt còn tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng, dầu và góp ý, đề xuất nội dung mới cho nghị định.

Trước đó, trong nội dung ban hành Nghị định 80 về kinh doanh xăng, dầu, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng, dầu, trình Chính phủ trong quý II/2024. Thực tế cho thấy, Nghị định 80 được ban hành mới chỉ giải quyết phần nào những bất cập về thị trường xăng, dầu trong thời gian qua. Để giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành thị trường xăng, dầu, cần có một nghị định mới hoàn toàn, đặc biệt là sau kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố mới đây.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan điều hành phải bảo đảm mục tiêu đáp ứng được nguồn cung xăng, dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước cũng như kiểm soát CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Trong khi đó, các DN kinh doanh xăng, dầu kiến nghị, việc soạn thảo nghị định mới cần đề cao sự cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của DN.

Từ đó, giải quyết bài toán cạnh tranh và thị trường, bởi đây là vấn đề nội tại giữa DN đầu mối – DN bán lẻ chưa có giải pháp thỏa đáng từ trước đến nay. Sở dĩ nói như vậy vì trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng, trong gần 5 năm (từ năm 2017 đến tháng 9/2022), do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, các DN đầu mối xăng, dầu đã không tạo nguồn theo quy định. Điều này gây ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu của thị trường và là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn nguồn cung vào năm 2022.

Như vậy, để bảo đảm thị trường xăng, dầu phát triển bền vững, cốt lõi là đổi mới cơ chế quản lý để thị trường vận hành theo kinh tế thị trường. Trước hết là thực hiện thay đổi kế hoạch về cung ứng xăng, dầu với các DN đầu mối, Bộ Công Thương cần giao chỉ tiêu cụ thể từng DN đầu mối, rõ địa bàn DN đó phục vụ; phân theo tháng, phân giao xong phải kiểm tra, kiểm soát chặt. Đặc biệt là quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Nói chung, thay đổi cơ chế quản lý là bài toán mà Bộ Công Thương cần nghiêm túc tính đến và thực hiện càng sớm càng tốt.

Điều mà người dân, DN mong mỏi là Ban soạn thảo nghị định mới nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm dự thảo nghị định được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ở mức cao nhất ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đối tượng chịu tác động; đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và DN.