Có tình trạng cửa hàng xăng, dầu hết hàng
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho thấy, trong kỳ nghỉ lễ, Cục QLTT TP Hà Nội đã huy động 100% quân số kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Kết quả kiểm tra tại khu vực nội thành Hà Nội cho thấy, chỉ một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tư nhân do bồn chứa nhỏ trong khi mức tiêu thụ tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường dẫn đến tình trạng hết xăng, dầu cục bộ. Tại các cửa hàng bán lẻ khu vực ngoại thành, đa số đều nghiêm túc chấp hành bán hàng đúng quy định nhưng vẫn còn một số trường hợp đơn vị đầu mối mối cung ứng không đáp ứng được nhu cầu nên bị thiếu dầu DO hoặc RON95.
Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin, từ ngày 31/8 đến nay, qua kiểm tra hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội, lực lượng QLTT đã lập biên bản 30 cửa hàng xăng, dầu dừng bán một phần mặt hàng xăng hoặc dầu. Nguyên nhân là do nhà cung cấp chưa có hàng cung ứng cho các đại lý.
Thực tế cho thấy sau khi nhận phản ánh cây xăng số 1174 đường Láng (Đống Đa) thông báo chỉ còn dầu, không còn xăng RON95, E5, ngày 1/9 Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cửa hàng xăng, dầu 1174 đường Láng chia sẻ, từ ngày 31/8 đến nay, trước thông tin giá xăng có thể tăng mạnh, lượng khách vào đổ xăng tăng đột biến so với ngày thường nên từ 10 giờ ngày 1/9, cửa hàng đã hết cả xăng RON95, E5 và chỉ còn bán dầu. Để xác minh thông tin, QLTT Hà Nội đã tiến hành đo bồn chứa xăng, kết quả kiểm tra cho thấy mực xăng trong bồn chỉ còn khoảng 10cm, không đảm bảo cho việc bơm lên trụ để bán cho khách hàng.
Kiểm tra tại huyện Thạch Thất, lực lượng QLTT ghi nhận một số cửa hàng đã ký hợp đồng mua xăng, dầu của Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, có địa chỉ tại 20 đường Điện Biên, phường Lộc Hòa, TP Nam Định nhưng công ty này không cung cấp đủ lượng xăng, dầu dẫn đến cửa hàng bán lẻ không đủ hàng hóa để phục vụ người dân nhất là mặt hàng dầu DO.
Không chỉ TP Hà Nội mới lâm vào tình trạng cửa hàng kinh doanh xăng, dầu không đủ hàng cung ứng cho thị trường mà nhiều tỉnh, TP cũng trong tình trạng tương tự. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện tại, một số tỉnh, TP phía Nam đã có tình trạng một số cửa hàng dừng kinh doanh xăng, dầu. Cụ thể, tại An Giang, xuất hiện tình trạng các cửa hàng tạm ngưng hàng loạt, thông báo hết xăng, dầu hoặc bán giảm số lượng, bán nhỏ giọt…
Qua kiểm tra, lực lượng QLTT An Giang phát hiện 40 cơ sở bán lẻ hết xăng, dầu, 13 cơ sở tạm dừng hoạt động. Lý giải nguyên nhân khiến một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tại An Giang dừng bán hàng, đại diện Sở Công Thương An Giang nêu rõ, tình trạng này do các cửa hàng không nhập được hàng, nguồn cung từ các thương nhân phân phối.
Petrolimex vừa có văn bản khẩn gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính kiến nghị một số vấn đề về nguồn cung xăng, dầu cho thị trường. Cụ thể trong những ngày qua, xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng xăng, dầu tạm dừng bán hàng dẫn tới nhu cầu dồn về các đại lý Petrolimex khiến mức bán lẻ trực tiếp của hệ thống này tăng từ 17.000m3/ngày lên hơn 27.000m3/ngày. Điều này dẫn đến sản lượng tiêu thụ tăng đột biến tạo áp lực lớn về nguồn của Petrolimex do lượng hàng tồn kho sụt giảm nhanh, việc mua hàng để bù đắp không thể ngay lập tức.
Đa dạng hóa nguồn cung
Các DN bán lẻ xăng, dầu thông tin, họ đang phải "gồng" lên để kinh doanh khi đối mặt với một số rào cản trong cơ chế thị trường và sự điều hành của Bộ Công Thương - Tài Chính còn nhiều bất cập. Cụ thể, DN phải nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ, chiết khấu 0 đồng trong khi phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… khiến càng bán càng lỗ.
Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1 Nguyễn Văn Tiu phản ánh, theo quy định, mỗi DN bán lẻ hiện chỉ được phép ký hợp đồng với một DN đầu mối xăng, dầu dẫn đến những lộn xộn trong kinh doanh xăng, dầu hiện nay. Cụ thể, cửa hàng chọn thương nhân cung cấp hàng, ký hợp đồng trong vòng 5 năm và chỉ được phép nhập hàng từ nguồn này. Khi DN đầu mối có sự cố thì DN bán lẻ không được lấy hàng từ đầu mối khác điều này khiến nguồn cung bị đứt đoạn.
Đồng tình với phản ánh của Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1, hầu hết các DN bán lẻ xăng, dầu có chung ý kiến, nguyên nhân khiến nguồn cung khan như hiện nay là sự bất cập của thương nhân phân phối trong việc cung ứng. Chẳng hạn, bình thường các cửa hàng bán lẻ tiêu thụ 100m3/tháng nhưng thương nhân phân phối xăng, dầu chỉ ký hợp đồng cố định với một đầu mối nhập khẩu khoảng 50% lượng tiêu thụ, còn 50% còn lại mua “chộp giật” những nơi có hoa hồng cao.
Điều này dẫn đến khi kinh doanh xăng, dầu lỗ vốn, các đầu mối ngoài hợp đồng không cung cấp xăng, dầu cho DN cung ứng nên đại lý bán lẻ không thể đủ hàng. Để khắc phục bất cập đó, các DN bán lẻ kiến nghị Nhà nước nên cho phép cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều đơn vị đầu mối để vừa tăng sức ép cạnh tranh lại đáp ứng nguồn hàng. Đồng thời rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối không tuân thủ theo quy định về an ninh xăng, dầu.
Thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho thấy, 8 DN kinh doanh xăng, dầu tại Cần Thơ đã có Công văn số 308/DN-XD gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương phản ánh việc khó khăn nguồn cung xăng, dầu. Đồng thời đề xuất cơ quan chức năng xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết; có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở từ DN đầu mối xuất nhập khẩu xăng, dầu.
“Liên Bộ trong quá trình điều hành phải bám sát với thực tế theo hướng đảm bảo thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng, dầu kinh doanh không thua lỗ trong thời gian dài, gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối xăng, dầu và hệ thống đại lý bán lẻ. Cùng với đó thanh tra, kiểm tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng, dầu ngưng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng”- đại diện DN xăng dầu Cần Thơ nêu rõ.
Đồng tình với kiến nghị này, Giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1 Nguyễn Văn Tiu và nhiều DN kinh doanh xăng, dầu kiến nghị, nên bỏ trích quỹ bình ổn xăng dầu. Thay vào đó, cơ quan quản lý Nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu xăng, dầu nhằm duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ. Từ đó, tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng, dầu thế giới xuống không nhập hàng làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường thiếu hụt như hiện nay. Ngoài ra, điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để DN đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600 - 800 đồng/lít để các cửa hàng bán lẻ đủ sức duy trì hoạt động.
Kiến nghị bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng, dầu của DN là hợp lý, có cơ sở, Bộ Công Thương cần xem xét xem còn DN nào đang âm quỹ bình ổn thì cho tiếp tục trích đến khi nào hết âm thì dừng lại. Số quỹ còn lại thì treo đó, gửi ngân hàng lấy lãi, sau này thu hồi đưa vào ngân sách.
Quỹ này là tiền của người dân nhưng lại được quản lý bởi DN. Xả và trích quỹ cùng mức nhưng lúc xả thì rất nhanh, khi trích thì mãi không được một đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ chế xin - cho, thậm chí gây thất thoát ngân sách Nhà nước và người dân.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong