Đánh giá, xem xét kỹ kết quả thi Rất nhiều TS đang có chung tâm trạng như Nguyễn Duy Anh - học sinh (HS) của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ứng Hòa: “Em thi khối C được 16,5 điểm, cộng 0,5 điểm ưu tiên thành 17. Trước đây, em dự tính đăng ký vào ĐH ngành Sư phạm Ngữ văn, nhưng với điểm thi thế này thì không còn cơ hội. Các bạn nói điểm trúng tuyển ngành sư phạm Lịch sử của ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm ngoái là 17, không biết năm nay có cao hơn? Nếu phải học cao đẳng (CĐ) với số điểm 17 thì tiếc quá”.
Nói về cơ hội vào trường ĐH công lập của TS đạt 14, 15 điểm, Phó Trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Phạm Mạnh Hà cũng thừa nhận: Rất khó! Bởi có sự biến động mỗi năm, năm ngoái phổ điểm thi THPT quốc gia cao hơn, năm nay lại thấp hơn nhưng là mặt bằng chung. Năm nay, về cơ bản, điểm chuẩn ở những trường top trên không biến động nhiều. Trường top trung có thay đổi, dao động từ 1,5 điểm; còn những hạng sau biến động lớn. Vì thế, theo ông Hà: "Những bạn đạt 14, 15 điểm cần cẩn trọng, dành thời gian nghiên cứu, đánh giá và xem xét kết quả thi của mình, cũng như điểm trúng tuyển của ngành mình muốn đăng ký năm trước rồi có quyết định". Còn ông Đào Tuấn Đạt – Quản lý trường THPT Anhxtanh phân tích: “Các em thi 4 – 5 môn, nên tổng hợp thành từng tổ hợp xem mình có điểm khối thi nào cao nhất. Nhưng đôi khi tổ hợp cao nhất chưa chắc đã đỗ ĐH mà lại rơi vào tổ hợp điểm thấp hơn. Ví dụ, cùng một ngành có trường lấy khối A (Toán – Lý – Hóa) 50 chỉ tiêu, điểm trúng tuyển 19; nhưng tổ hợp (Toán – Lý – Anh) tuyển 20 người, điểm trúng tuyển 16. Nếu TS được 17 điểm là đỗ”. Địa phương, dân lập, top cao đều giống nhau Để có cơ hội vào ĐH, nhiều TS đạt điểm trung bình sẵn sàng từ bỏ trường, ngành yêu thích, tìm đến những trường địa phương, ngoài công lập có điểm trúng tuyển nhiều ngành ở ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT năm ngoái (15 điểm). Nhưng trước thực tế nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, TS không khỏi lo lắng. Theo ông Hà, học trung cấp nghề, CĐ nghề hay ĐH khi ra trường xin việc đều khó như nhau. Nhiều người học nghề mà không có nơi tuyển dụng thì cũng thất nghiệp, vấn đề quan trọng là xác định làm gì, công việc đó được đào tạo ở bậc nào: “Hiện nay, các trường top thấp rất nhiều, cơ hội vào ĐH rất cao, nếu cứ lao vào học ĐH thì ra trường vẫn thất nghiệp như thường. Bởi vậy, dù vào ĐH địa phương hay trường ngoài công lập hoặc top cao, các bạn vẫn phải học tử tế, nghiêm túc”. Đồng tình với quan điểm này, Ths Nguyễn Thị Cúc – giáo viên dạy Lịch sử, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho rằng, dù học trường dân lập hay địa phương mà nỗ lực bằng khả năng, trí tuệ cũng như luôn học hỏi để trau dồi kinh nghiệm, hiểu biết xã hội thì vẫn có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Vì thế, TS cân nhắc thật kỹ để quyết định con đường đi của mình cho phù hợp với khả năng và điều kiện. Đúng như ông Hà phân tích: “Thường thủ khoa của lớp, khoa hay đứng top 10 người trong lớp bao giờ cũng có nhiều cơ hội việc làm hơn các bạn còn lại. Các bạn không phải ngại khi chọn trường ĐH địa phương, quan trọng là học thật tốt. Trong quá trình học có tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động nghề nghiệp thì cơ hội việc làm sẽ cao. Có khi các bạn không phải tìm việc làm mà DN đến mời về làm việc”.
Thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia 2016 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Từ 8 - 17 giờ ngày 23/7, tại ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra Ngày hội Tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 do Báo Tuổi Trẻ và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức. TS sẽ được tìm hiểu các ngành đào tạo, điều kiện xét tuyển các trường ĐH, CĐ, trung cấp và chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, chọn ngành. Đặc biệt, TS quan tâm đến Nhóm trường GX - lần đầu tiên xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2016 - sẽ được tư vấn và giải đáp của 12 trường về phương thức xét tuyển tại “Khu vực tư vấn nhóm trường GX” trong khuôn viên Ngày hội. |