Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cùng một căn nhà, dân xây hết 650 triệu, nhà nước hết 1 tỷ đồng

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An), cử tri phấn khởi trước kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây nhưng vẫn tâm tư, trăn trở trước sự thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.

Đó là ý kiến phát biểu của Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu tại phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình những tháng đầu năm 2018; kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; và báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và quyết toán ngân sách Nhà nước 2016, sáng 25/5.
Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ ấn tượng về những thành tích về kinh tế thời gian qua, trong đó có việc GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Cùng với đó, các chỉ số về tài chính tiền tệ, du lịch, xuất nhập khẩu đều tăng vượt chỉ tiêu đề ra; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm "nức lòng cử tri cả nước"...
 Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho biết: Cử tri so sánh, rằng nếu xây một ngôi nhà cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu, còn nhà nước xây ít nhất 1 tỷ mà chất lượng thẩm mỹ không bằng của người dân.
Tuy nhiên, cử tri cả nước vẫn tâm tư, trăn trở trước sự thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.
Đại biểu Cầu chia sẻ: “Tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng chưa thu tiền sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ chọn đất vàng để chuyển nhượng, mua bán trục lợi cá nhân còn thất thoát lớn”.
Theo đại biểu, trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh, rằng nếu xây một ngôi nhà cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu, còn nhà nước xây ít nhất 1 tỷ mà chất lượng thẩm mỹ không bằng của người dân. Cử tri kiến nghị nhà nước nên tính toán lại định mức, tính toán lại đơn giá, trượt giá nếu không sẽ còn thất thoát hơn.
“Thực tiễn 12 đại dự án thua lỗ mà Chính phủ đang xử lý rốt ráo hiện nay là 1 ví dụ nhãn tiền. Gần đây Kiểm toán nhà nước phát hiện những sai phạm tại các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp. Cá biệt như dự án nạo vét kè sông Kê Sào tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đã chứng minh những tâm tư của cử tri là có cơ sở”, ông Nguyễn Hữu Cầu phát biểu.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Trung ương quan tâm giải quyết vấn đề bức xúc, phức tạp liên quan đến đất đai. Chính phủ sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, khu vực đất “vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Đinh Duy Vượt nêu bức xúc: “Người dân bất bình, thậm chí phẫn nộ vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các doanh nghiệp bạch tuộc, không đầu tư cho sản xuất, mà chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước”.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức, cùng cộng sinh thâu tóm, lũng đoạn bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lợi ích nhóm, cánh hẩu. Ngoài ra, việc tồn tại nhiều quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ cần phải rà soát lại vì vừa gây lãng phí, vừa gây bức xúc, khốn đốn cho người dân ở vùng quy hoạch nên cần sớm được giải quyết. “Cử tri mong muốn cần có sự vào cuộc cơ quan chức năng Trung ương, nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn, vì “dây mơ rễ má”, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm”, ông Vượt nói.

Liên quan đến những sai phạm kéo dài ở một số địa phương trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, công tác cán bộ, đại biểu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ: "Đà Nẵng là địa phương chậm trễ trong kiện toàn bộ máy, tổ chức như không có Chủ tịch HĐND thành phố, thiếu một Phó chủ tịch HĐND TP, một Phó chủ tịch UBND TP".

Theo ông, năm 2010 chính quyền Đà Nẵng chủ trương trong 60 ngày nếu người dân, doanh nghiệp nộp đủ tiền khi giao đất thì được giảm 10% trên tổng số tiền nộp; khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cho thời hạn sử dụng lâu dài nếu nộp đủ tiền sử dụng.

 Đến năm 2012, Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm, yêu cầu thu hồi 10% đã giảm nêu trên, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất… Song có nhiều người dân, doanh nghiệp đã bán đi bán lại phần diện tích đất nêu trên và những người chủ hiện nay vừa phải mua đất theo giá thị trường, vừa phải làm theo kết luận thanh tra, vừa phải trả 10% tiền sử dụng đất mà chủ trước đã giảm…

 "Người dân cho rằng ai sai, người đó chịu. Sai là ở chính quyền, còn họ làm đúng. Do vậy, chúng ta không nên điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, không nên bắt người dân nộp phí 10% vì hiện còn tới 8.000 người dân còn nợ tiền sử dụng đất", đại biểu Quang nói.