[Cứu di tích Hà Nội khỏi xuống cấp] Bài cuối: Giải pháp bảo tồn bền vững

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của mọi sự phát triển. Do vậy, bảo vệ nền tảng văn hóa - mà cụ thể là các di sản văn hóa vật thể với hệ thống chùa chiền, đình miếu mạo - cũng chính là góp phần bảo vệ bản sắc dân tộc, hay những giá trị bền vững, những tinh hoa sáng tạo của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên dải đất này.

Để nguồn nội lực được bồi đắp qua hàng nghìn năm không bị mất đi thì cần tìm ra những giải pháp bảo tồn bền vững cho từng di tích của Hà Nội.
Nhận diện xuống cấp qua công tác kiểm kê

Giai đoạn 2013 - 2016, Hà Nội đã thực hiện kiểm kê và nhận diện di sản và là một trong những địa phương hoàn thành sớm công tác kiểm kê di sản, để đưa ra con số thống kê: Trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng. Vấn đề sau kiểm kê là nhiều địa phương chưa phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn, chưa tổ chức khoanh vùng, rà soát hiện trạng các di tích, bảo đảm không có tranh chấp, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích theo quy định của pháp luật về đất đai. Rõ nét nhất là vụ việc ở chùa Đậu (Thường Tín), khi những vi phạm trong công tác tu bổ được đào xới, kiểm tra hồ sơ di tích mới thấy thiếu hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích nhưng suốt bao năm qua từ phòng quản lý địa chính của xã Nguyễn Trãi, cho đến các cơ quan chuyên ngành văn hóa từ cấp xã đến cấp huyện đều không có đề xuất bổ sung. Đến khi yếu tố gốc của di tích bị ảnh hưởng bởi những công trình xung quanh, các cơ quan tìm căn cứ pháp lý để giải quyết bảo tồn di tích đều “bó tay” để xử lý vi phạm.

Phân tích về những sự việc vi phạm hoặc chưa kịp thời tu bổ di tích xuống cấp trong thời gian gần đây, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng: “Theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, định kỳ hàng năm, Sở VH&TT phải tổng hợp số liệu về những biến động số lượng di tích để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, định kỳ 5 năm, Sở thực hiện rà soát và trình UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn TP. UBND TP cũng chỉ đạo rà soát, lập danh sách các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên; quan tâm bố trí kinh phí tu bổ tôn tạo di tích theo từng năm, từng giai đoạn. Trong đó, ưu tiên di tích xuống cấp nghiêm trọng, di tích có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, có địa phương làm tốt chỉ đạo của UBND TP nên việc tu bổ, tôn tạo di tích diễn ra kịp thời; nhiều địa phương còn lơ là, thiếu chỉn chu nên nhiều vụ việc vi phạm, xâm hại di tích được phát hiện khi sự đã rồi”. Ông Trương Minh Tiến cho rằng việc kiểm kê di tích là biện pháp rất tốt để bảo tồn di tích bền vững, nhận diện rõ các giá trị cổ, các giá trị cần bảo tồn và những tiềm năng giúp di tích có thể khai thác du lịch.

Đề cao trách nhiệm của cộng đồng

PGS.TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) khẳng định: Di tích văn hóa tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Do vậy, cần tu bổ, tôn tạo như thế nào để những di tích ấy trở thành điểm đến du lịch, mang lại kinh tế cho cộng đồng. Chỉ khi nào cộng đồng được hưởng lợi từ di tích thì họ mới có ý thức bảo vệ di tích.
Hiện nay, trong các công trình tu bổ di tích, tỷ lệ thợ lành nghề rất ít, nhiều công trình sử dụng thợ mộc, thợ nề giản đơn vào việc tu bổ di tích. Điều này đã dẫn đến tình trạng kiến trúc sau khi tu bổ bị sai, bị hỏng. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc, rà soát và kiểm tra lại các cá nhân và đơn vị tham gia công tác tu bổ. Đơn vị, cá nhân nào thực hiện công việc tu bổ mà gây ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm túc, rút giấy phép và chứng chỉ hành nghề.
 Đền Bạch Mã. Ảnh: Lam Thanh
Nói riêng về hệ thống di tích đình của Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài nhận xét: Xứ Đoài có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều công trình tín ngưỡng tôn giáo có kiến trúc đẹp, đặc biệt là đình làng. Nhằm phát huy giá trị di tích đình làng xứ Đoài, Thăng Long - Hà Nội cần quy hoạch và đưa hệ thống đình làng vào các tuyến tham quan du lịch phục vụ khách trong nước và quốc tế, điều này vừa phát huy giá trị di sản, vừa tăng nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di tích. Những ngôi đình làng đã tồn tại từ đời này qua đời khác, là dấu ấn sâu đậm của biết bao nhiêu thế hệ, mỗi ngôi đình là một bảo tàng, nó gắn bó mật thiết với cộng đồng, chính vì vậy, công việc bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị của đình làng trách nhiệm thuộc về người dân gắn bó với nó.

Một trong những bất cập nữa của việc bảo tồn di tích là quá trình bảo tồn chưa thật sự có sự tham gia, đóng góp ý kiến của Nhân dân. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ: Hiện nay, do quy định các di tích đã được xếp hạng thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà đã được phân cấp, chính vì lẽ đó khi di tích bị hư hại thì người dân không được tự ý thực hiện công việc tu sửa, hoặc nếu muốn tu bổ thì phải thực hiện đúng trình tự thủ tục, qua rất nhiều cấp. Nếu người dân tự ý làm thì sẽ sai Luật Di sản.
Một tình huống khá phổ biến, đó là di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp Bộ thì đương nhiên việc tu bổ tôn tạo là do các đơn vị cấp trên thực hiện. Việc tu bổ, chỉnh trang, xây mới, hay phá bỏ người dân địa phương không được tham gia đóng góp ý kiến, hoặc nếu được tham gia chỉ là nửa vời... chính vì vậy mà nhiều di tích khi trùng tu xong người dân thấy xa lạ, trùng tu xong các đơn vị thi công rút đi để lại hậu quả rột, nứt, biến dạng di tích mà không được sửa chữa kịp thời. Như vậy, hiện nay cần phải rà soát lại các quy định trong công tác quản lý và tu bổ di tích, trong đó cần chú ý đến vấn đề giám sát của người dân, để người dân cùng tham gia.

Khơi thông mọi nguồn lực

Để không là di tích đứng yên, Hà Nội quan tâm phát huy giá trị di tích vào công tác phát triển du lịch, đó là mục tiêu cần đề ra trong những giai đoạn tiếp theo. Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã đề ra mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống hạ tầng cơ sở xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế.
Ngày 16/10/2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4597/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm phát triển du lịch Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.
Ngày 26/6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Thực hiện chủ trương này, những năm qua, Hà Nội tập trung thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, khai thác các tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch văn hóa.
Tháng 11/2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Hà Nội chủ trương sẽ sớm cụ thể hóa các cam kết của thành phố tại hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO bằng chương trình hành động dài hạn, có chiến lược cụ thể để nâng cao nhận thức, gắn kết công chúng với “nhịp đập” văn hóa và sáng tạo của thành phố, về nền tảng Hà Nội - Thành phố sáng tạo cũng chính là các di sản văn hóa.

Chính vì vậy, các di sản tham gia đóng góp rất lớn vào các sản phẩm du lịch mới. Vượt qua những khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị quản lý các di tích vẫn không ngừng phối hợp với các đơn vị DN du lịch xây dựng sản phẩm du lịch về đêm, nhằm mục tiêu thắp sáng di tích cho Hà Nội. “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện là sản phẩm du lịch về đêm đầu tiên ở di tích tại Hà Nội. Ngay khi đưa vào khai thác hồi cuối tháng 6/2020, “món ăn” mới lạ này lập tức tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách. Trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 hồi cuối tháng 7/2020, điểm đến này hầu như đêm nào cũng cháy vé. Điều đó mở ra hướng đi mới hứa hẹn nhiều thành công cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị ở các di tích, danh thắng khác trên địa bàn Thủ đô.
Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Mặc dù mới mở cửa đón khách được một vài buổi lại phải tạm đóng theo chủ trương phòng dịch trên toàn TP, nhưng “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” cũng sẽ hứa hẹn là sản phẩm hút khách. Các địa phương khác như Hoàn Kiếm, Gia Lâm… đều đã xây dựng các đề án phát triển các điểm di tích thành nơi trọng tâm thu hút du khách, mang lại nguồn thu vừa tăng thêm nguồn kinh phí bảo tồn chính di tích đó, ngoài ra còn sẻ chia bảo tồn các di tích xuống cấp khác trên địa bàn, mà không chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư tu bổ của Nhà nước.

Nếu mọi sự sáng tạo đích thực đều là món quà vô giá thì kho tàng di sản văn hóa được nhiều thế hệ gây dựng, bồi đắp và trao truyền, chính là nền tảng vật chất - tinh thần đã và đang định hình diện mạo quá khứ - hiện tại - tương lai hơn 1.000 năm của Hà Nội. Chính vì vậy thế hệ con cháu hôm nay phải có trách nhiệm trong từng giải pháp bảo tồn bền vững kho tàng vô giá đó.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - PGS.TS Phạm Mai Hùng: Tăng cường công tác giám sát

Có thể nói, trong thời qua, Hà Nội thực sự rất quan tâm tới việc đầu tư bảo tồn di sản. Điển hình như từ năm 2010 - 2012, ngân sách cũng như từ nguồn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đã đạt 2.950 tỷ đồng. Trong năm 2013, ngân sách thành phố và nguồn vốn huy động xã hội hóa cho bảo tồn di sản đạt 830 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, Thủ đô đã thực hiện việc bảo tồn cho 1.475 di tích. Trường hợp vi phạm di tích như chùa Hương, chùa Trăm Gian, chùa Khúc Thủy, đình Lương Xá… chỉ là một trong những điểm nhỏ trong tổng thể các di sản của Thủ đô, điều đó chưa thể làm mất đi giá trị của di sản Thủ đô.

Có thể nói, di sản không phải “nhất thành bất biến” mà có những bổ sung nhất định qua từng thời kỳ. Nhưng cái nào có thể thay thế được là không hề đơn giản phải thận trọng. Nhưng tôi cho rằng, cần giữ cái gì nguyên gốc, không thể không giữ thì giữ, còn cái nào phải thay thế thì cần thay thế.

Mỗi khi tu bổ, chính quyền địa phương cần sự tham gia ý kiến của người dân sở tại, đặc biệt là tham khảo ý kiến các chuyên gia để có giải pháp khi tu bổ di tích, di sản đảm bảo các điều kiện cần thiết để còn nguyên gốc. Ngoài ra, quá trình tu bổ di tích, di sản phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích cũng như chính quyền địa phương.


Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội - TS Nguyễn Doãn Văn: Huy động sức dân trong việc tu bổ, tôn tạo

Những năm gần đây, công tác chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích đã được TP Hà Nội và đông đảo Nhân dân, dư luận quan tâm. Tuy nhiên, với số lượng di tích lớn nên hiện nay công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội gặp không ít khó khăn, bất cập. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thủ đô phải thực hiện ở ba nội dung cơ bản: Bảo vệ di tích về mặt pháp lý và khoa học, bảo vệ di tích về mặt vật chất kỹ thuật và phát huy giá trị di tích nhằm phục vụ nhu cầu hiện đại của xã hội. Do đó, cần thiết phải có cơ chế, chính sách phù hợp, có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn như: Quy hoạch toàn bộ các di tích đã được công nhận; xã hội hóa hoạt động bảo tồn; ưu tiên đầu tư ngân sách; nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ.

Số lượng di tích lớn mà số di tích xuống cấp còn rất nhiều. Nguồn kinh phí những năm gần đây đã được các cấp quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, tu bổ tôn tạo. Nhiều di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị lịch sử... xuống cấp nhưng chưa được tu bổ, tôn tạo. Vì vậy, trong quá trình tu bổ, tôn tạo cần đưa ra phương thức tiến hành cho phù hợp với sự kế thừa kiến trúc truyền thống, tận dụng tối đa các yếu tố gốc của di tích.

Công tác quản lý di tích liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng và nhiều chuyên ngành như lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và các lĩnh vực chuyên ngành khác có liên quan. Do vậy, để làm tốt công tác này cần xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế và có sự phối hợp của nhiều cấp ngành liên quan.

Công tác tu bổ di tích mang tính đặc thù trong việc bảo tồn yếu tố gốc của di tích, do vậy rất cần có đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề trong việc triển khai thực hiện. Do số lượng di tích xuống cấp quá lớn, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không có nguồn lực cho việc này nên cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân, huy động sức dân trong việc tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn xã hội hóa.