"Bà Yingluck chắc chắn đã rời Thái Lan", một thành viên của đảng Puea Thai cho biết, tuy nhiên người này không cung cấp thêm thông tin cụ thể.
Trước đó, ngày 24/8, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra kêu gọi những người ủng hộ bà hãy theo dõi tại nhà thay vì đến trước tòa án tối cao vào hôm 25/8.
Ông Prawit Wongsuwan - Phó Thủ tướng Thái Lan cho rằng, cựu Thủ tướng Yingluck Sinawatra có thể đã trốn ra nước ngoài trước khi diễn ra phiên tòa xét xử bà với cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo.
“Có khả năng cựu Thủ tướng Yingluck đã trốn khỏi Thái Lan, vì bà có vài con đường khác nhau để bỏ trốn”, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan nói với các phóng viên tại Bangkok .
Sáng 25/8, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ban hành lệnh truy nã cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi bà bất ngờ vắng mặt trong phiên xét xử diễn ra buổi sáng cùng ngày. Tòa án đã hoãn việc công bố bản án tới ngày 27/9.
Thẩm phán của tòa án Tối cao Thái Lan đã bác bỏ lời giải thích của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra rằng bà không khỏe, bị chóng mặt nên không thể có mặt tại tòa.
Ông Norawit Larlaeng - luật sư của bà Yingluck cũng thất bại trong việc trình giấy chứng nhận y khoa nhằm chứng minh cho lý do vắng mặt của thân chủ. Ông Norawit nói rằng không biết bà Yingluck đang ở đâu.
Để đảm bảo an ninh cho phiên xét xử cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, khoảng 4.000 cảnh sát được triển khai khắp các đường phố ở Bangkok trong ngày 25/8. Khoảng 1.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa án để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Yingluck.
Nhiều người dân đã tụ tập bên ngoài tòa án để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Yingluck trong ngày 25/8. Ảnh: Bloomberg |
Bà Yingluck Shinawatra, 50 tuổi, bắt đầu bị xét xử vào tháng 3/2015 với cáo buộc không làm tròn trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân nước này, khiến ngân sách quốc gia thiệt hại hàng tỷ USD. Nếu bị kết án, bà Yingluck có thể sẽ phải ngồi tù 10 năm và bị cấm tham gia chính trị suốt đời.
Năm 2014, bà Yingluck bị cáo buộc sơ suất trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi. Chương trình này là nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Puea Thai, đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011.
Tuy nhiên, chương trình này cũng đã dẫn đến việc Thái Lan trở thành kho dự trữ gạo chưa bán khổng lồ, cùng với việc giá gạo thế giới bị "bóp méo" đã dẫn tới các cuộc biểu tình ở Bangkok. Kết quả, bà Yingluck bị lật đổ vào năm 2014 và bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra - anh ruột của bà Yingluck cũng đã chạy trốn ra nước ngoài, sống lưu vong suốt 11 năm qua để tránh án tù 2 năm vì một hợp đồng tham nhũng đất đai. Chính ông Thaksin là người đầu tiên đề xuất chương trình trợ giá gạo trước khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.