Ngày 21/11, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên bố kết thúc phần xét hỏi trong phiên xử vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng. Trước khi tranh luận, đại diện VKS Nhân dân tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Thực hành quyền công tố, kiểm sát viên Lê Xuân Lộc nêu quan điểm vụ án có 6 loại tội danh, trong đó có 3 tội thuộc nhóm rất nghiêm trọng, còn lại ở mức nghiêm trọng nhưng hậu quả gây ra cho xã hội thì đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đại diện VKS, trong vụ án này, các bị cáo lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc, lôi kéo được số lượng hàng chục nghìn tài khoản là đại lý cấp 1, đại lý cấp 2 tham gia đường dây tổ chức đánh bạc và tài khoản của người đánh bạc trong hệ thống game bài Rikvip/TipClub… qua đó thu lời bất chính tổng số tiền gần 9.900 tỷ đồng.
Cũng theo đại diệnVKS, số tiền thu hồi thực tế do hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm lập kỷ lục trong các vụ án kinh tế ở Việt Nam, với số tiền thu hồi hàng nghìn tỷ đồng. VKS đề nghị HĐXX cần có hình thức giảm nhẹ đối với những bị cáo đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả từ 50% trở lên, như bị cáo Phan Sào Nam đã nộp tiền tiền khắc phục trên 90%. Bị cáo Nguyễn Văn Dương thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, nhưng chưa thành khẩn về nguồn tiền hưởng lợi bất hợp pháp, mới khắc phục được phần nhỏ hậu quả nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn bị cáo Phan Sào Nam.
Đại diện VKS cho biết, kết quả xét hỏi tại tòa, có 89/92 bị cáo khai phù hợp với với chứng cứ và tội danh có trong cáo trạng. Còn 3 bị cáo chưa thừa nhận hoặc thừa nhận một phần hành vi phạm tội của mình, như bị cáo Lê Thị Lan Thanh không thừa nhận tội “Tổ chức đánh bạc”, chỉ thừa nhận tội “Mua bán hóa đơn trái phép”...
“Ông trùm” Nguyễn Văn Dương bị đề nghị 11 - 13 năm tù
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương, VKS cho rằng, Nguyễn Văn Dương phạm tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Dương là người cầm đầu, trực tiếp chỉ huy tại Công ty CNC, Long Hải, Hải Khánh, Thăng Long; từ đó phát sinh hàng loạt con bạc khác, làm tha hóa một số cán bộ, công chức, thu lợi hơn 1.655 tỷ đồng.
Để che giấu nguồn tiền thu lời bất chính, Dương đã rửa tiền 329 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đến nay mới thu hồi hơn 245 tỷ đồng. Hành vi nêu trên đủ yếu tố cấu thành tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền.
VKS cho rằng, Nguyễn Văn Dương không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi năm 2009. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Dương từ 8 - 9 năm cho tội Tổ chức đánh bạc, 3 - 4 năm về tội Rửa tiền. Tổng mức hình phạt từ 11 - 13 năm tù.
Quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình và đồng phạm nhưng không hợp tác khai báo về việc sử dụng số tiền thu lợi bất chính, gây khó khăn cho cơ quan điều tra thu hồi vật chứng vụ án nên chỉ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với cả 2 tội đó là: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; riêng về tội Rửa tiền được xem xét áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Phan Sào Nam bị đề nghị từ 6 - 7 năm tù
Đối với Phan Sào Nam: HĐXX cho rằng, Nam phạm 2 tội “Tổ chức đánh bạc” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249; tội phạm “Rửa tiền” quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 251 - Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong số đồng phạm, Phan Sào Nam là người khởi xướng và giữ vai trò chỉ huy nhóm đối tượng thuộc Công ty VTC online và Công ty Nam Việt thực hiện vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong quá trình điều tra, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị truy nã quốc tế về tội “Tổ chức đánh bạc”, bị cáo Nam đã chủ động về đầu thú, thành khẩn khai báo về toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân và đồng phạm. Phan Sào Nam tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ án, tự nguyện nộp lại phần lớn số tiền thu lợi bất chính để khắc phục hậu quả.
VKS đề nghị tuyên phạt Phan Sào Nam mức án 3 - 4 năm tù tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp mức hình phạt từ 6 - 7 năm tù.
Ông Phan Văn Vĩnh không thành khẩn
Với bị cáo Phan Văn Vĩnh, tại tòa, bị cáo Vĩnh không thừa nhận tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mà bản thân chỉ phạm tội Thiếu trách nhiệm. VKS thấy rằng, ông Phan Văn Vĩnh nói về mục đích tạo điều kiện cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc là để tạo nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng là một nhiệm vụ chiến lược của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Hơn 2 năm công ty CNC tổ chức đánh bạc trên mạng Internet, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, nhưng không có một khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho Hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, mà chỉ có một khoản rất nhỏ so với tổng doanh thu.
Hành vi khách quan nêu trên của bị cáo Phan Văn Vĩnh đã đầy đủ dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm khác tổ chức đánh bạc trái phép. Do vậy, hành vi của bị cáo Phan Văn Vĩnh đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh không thành khẩn khai báo, không nhận tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” mà chỉ là tội gián tiếp. Vì thế, bị cáo Vĩnh không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, mà chỉ có phần ăn năn hối cải. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh mức án 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh. |
Nguyễn Thanh Hóa đổ lỗi cho người khác
Theo đại diện VKS, tại phiên tòa, bị cáo Hóa không thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà đổ tội cho người khác. Với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Công an giao chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Nguyễn Thanh Hóa đã không hoàn thành nhiệm vụ, tham mưu cho Phan Văn Vĩnh soạn thảo quyết định 158 công nhận CNC là công ty bình phong.
Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thanh Hóa không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa có đủ căn cứ Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân nên việc xem xét xử lý Nguyễn Thanh Hóa mới chỉ dừng ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn…
Hành vi của Nguyễn Thanh Hóa giữ vai trò là người thực hành tích cực, truyền đạt ý kiến của Phan Văn Vĩnh, ngăn cản cấp dưới kiểm tra, xử lý đối với game bài do Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm vận hành. Nguyễn Thanh Hóa không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại BLHS.
Về tình tiết giảm nhẹ, quá tình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hóa không thành khẩn, không ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình mà còn đổ lỗi cho người khác. Trong khi chính b ản thân Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực, biết rõ ý định của Nguyễn Văn Dương muốn vận hành cổng thanh toán cho game cờ bạc ngay từ sau khi hợp tác với C50 năm 2011 nhưng vẫn chỉ đạo soạn thảo và ký nhiều văn bản giúp Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc.
Tuy nhiên, quá trình công tác, Nguyễn Thanh Hóa có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, được tặng thưởng nhiều Huân, huy chương… Bị cáo là con, cháu của liệt sĩ, có ý thức nộp lại số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên bị cáo được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Thanh Hóa phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, phạt từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù…